Chính sách - Quy hoạch

TP HCM: phát triển nhà ở xã hội còn xa mục tiêu

Vi Anh 13/01/2025 04:02

Dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM, song mục tiêu xây dựng 1 triệu căn vào năm 2030 vẫn còn xa vời.

Từ ngày 1/1/2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ giảm từ 4,8% xuống còn 4,7%/năm.
Năm 2024, TP HCM chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho TP HCM phát triển từ 69.700 - 93.000 căn đến năm 2030. Thế nhưng trên thực tế kết quả triển khai trên địa bàn vẫn chưa được như kỳ vọng đề ra.

Một dự án duy nhất được động thổ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, trong năm 2024, TP HCM chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư là Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên tại huyện Bình Chánh.

Dự án này được Công ty Lê Thành theo đuổi từ năm 2018, dù đã làm lễ động thổ sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2024, tới nay quá trình triển khai vẫn “giậm chân tại chỗ” do chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dẫn đến việc chưa được cấp phép xây dựng.

Ngoài ra, dự án nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2) do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư cũng vướng nhiều thủ tục pháp lý, chưa được hỗ trợ hoàn thiện để sớm khởi công. Thực trạng này đã được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM gửi báo cáo lên UBND TP HCM, nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm thực hiện dự án.

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Theo các chuyên gia, một trong những trở ngại lớn khi xây dựng nhà ở xã hội chính là câu chuyên “đất sạch”. Theo cơ chế đối với các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội là bàn giao đất sạch cùng miễn tiền sử dụng đất, nhưng trên thực tế để có quỹ đất sạch là rất khó và quá trình giải phóng mặt bằng lại không hề đơn giản. Những vướng mắc trong thủ tục pháp lý không chỉ khiến thời gian triển khai dự án bị kéo dài mà còn gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Cả nước chỉ hoàn thành 16% kế hoạch làm nhà ở xã hội trong năm 2024
Một trong những trở ngại lớn khi xây dựng nhà ở xã hội chính là quỹ đất sạch.

Mặc dù Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới yêu cầu dành 20% quỹ đất ở trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, song lại chưa có quy định chi tiết về thời hạn bắt buộc chủ đầu tư phải triển khai. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư né tránh hoặc trì hoãn thời gian thực hiện, khiến nguồn cung nhà ở xã hội càng them khan hiếm.

Bên cạnh “bài toán” về đất đai, thủ tục hành chính phức tạp và lãi suất cho vay ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn cũng là những rào cản lớn. Chủ tịch HoREA cho rằng dù Luật Nhà ở 2023 có quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê còn được ưu đãi hơn về lãi suất và thời gian vay, nhưng thực tế vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, tuy chính sách và cơ chế tín dụng đã có những cải thiện đáng kể, việc triển khai các dự án nhà ở trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình xét duyệt thủ tục.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho giai đoạn 10 năm đã trải qua được 40% chặng đường nhưng có tốc độ rất chậm và không có nhiều tín hiệu khả quan để có thể hoàn thành đề án đúng hạn. Nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện và bằng nguồn vốn tư nhân, vì vậy khả năng thành công của Đề án phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp bất động sản vẫn “than khó” khi làm nhà ở xã hội bởi thủ tục pháp lý phức tạp, khó hơn dự án nhà ở thương mại. Có rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm nản lòng các doanh nghiệp, trong đó, 3 vướng mắc lớn nhất được nhận định là quỹ đất, nguồn vốn và thủ tục pháp lý.

Trước những “nút thắt” trên, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM cho biết các nhà đầu tư phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật và trải qua nhiều thủ tục phức tạp từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Những bước này bao gồm việc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, rà soát quy hoạch 1/500 và cấp phép xây dựng. Dù TP HCM đã ban hành các quy trình cụ thể nhưng do sự chồng chéo giữa các bước nên thời gian thực hiện thường kéo dài.

Ông Hoan kỳ vọng, việc đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, sắp được thông qua sẽ là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch phân khu, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn trong công tác quy hoạch. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất tích hợp các khâu thủ tục để rút ngắn quá trình xét duyệt.

Bên cạnh đó Tổ công tác của thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc cụ thể cho từng dự án nhà ở xã hội. Những nỗ lực không chỉ nhằm rút ngắn thời gian xử lý thủ tục mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu về phát triển phân khúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM: phát triển nhà ở xã hội còn xa mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO