Luật pháp quốc tế tồn tại nhiều hình thức xác lập chủ quyền lãnh thổ khác nhau, tạo nên những lãnh thổ chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh thời gian lịch sử của mỗi dân tộc.
>>Sự khác biệt về chủ quyền giữa biển, đảo trong hệ thống quy phạm pháp luật quốc tế
Có hình thức thụ đắc phù hợp với giai đoạn lịch sử phát triển này của luật pháp quốc tế, nhưng lại không phù hợp với giai đoạn kia. Mỗi một hình thức thụ đắc lãnh thổ có một loạt những đòi hỏi cấu thành, được gọi là những đặc điểm của hình thức thụ đắc. Tuỳ từng điều kiện lịch sử, những đòi hỏi ấy cũng có sự biến thiên. Có đòi hỏi của hình thức thụ đắc phù hợp với thời kỳ này, nhưng lại không phù hợp với giai đoạn tiếp theo của lịch sử.
Sự thụ đắc chủ quyền
Trong thực tiễn tập quán quốc tế cho thấy việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ có những quan điểm khác nhau, đã có nhiều trường hợp tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau dựa vào các tiêu chuẩn pháp lý có nội dung rất khác nhau.
Trước đây việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ là sự chiếm cứ một vùng lãnh thổ nào đó theo những tiêu chuẩn pháp lý nhất định và thiết lập trên đó chủ quyền quốc gia. Pháp luật quốc tế ghi nhận một trong những cơ sở nền tảng hay còn gọi là nguyên tắc cơ bản để xác lập hợp pháp danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia là: việc xác lập chủ quyền phải dựa vào các phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp.
Một phương thức thụ đắc lãnh thổ được coi là hợp pháp khi nó được tiến hành trên một đối tượng lãnh thổ phù hợp có nghĩa là đối tượng thụ đắc của phương thức chiếm cứ hữu hiệu là lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi. Chủ thể xác lập danh nghĩa chủ quyền phải có tư cách quốc gia và được thực hiện theo đúng cách thức mà luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ đòi hỏi.
Thực tiễn của luật pháp quốc tế tồn tại 5 hình thức thụ đắc lãnh thổ cơ bản sau đây: Thụ đắc bằng chiếm hữu thực sự; Thụ đắc bằng chuyển nhượng; Thụ đắc bằng chiếm hữu theo thời hiệu; Thụ đắc bằng xâm chiếm; Thụ đắc bằng sự tác động của thiên nhiên.
Hình thức chiếm hữu thực sự được hình thành từ Định ước Berlin ngày 26/02/1885. Theo đó, hình thức chiếm hữu lãnh thổ thực sự được hình thành nếu đáp ứng được hai điều kiện: Thứ nhất là phải thông báo cho các quốc gia tham gia Định ước về việc chiếm hữu lãnh thổ của mình. Thứ hai các nước chiếm hữu buộc phải có các hành vi chiếm hữu thực sự bằng các tổ chức chính quyền của mình trên vùng lãnh thổ định chiếm hữu.
Các nguyên tắc của Định ước Berlin đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tồn tại là quy tắc không thành văn của luật pháp quốc tế hiện đại nhưng các quốc gia, các trọng tài và bản thân các thẩm phán quốc tế phải viện dẫn.
Chiếm hữu là hành động của quốc gia thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên một lãnh thổ vốn chưa thuộc chủ quyền về một quốc gia nào khác. Đây là một hình thức thụ đắc lãnh thổ cơ bản luôn là cơ sở cho việc hình thành lãnh thổ của đa số các quốc gia hiện nay.
Điều kiện tiên quyết cho việc thụ đắc lãnh thổ là lãnh thổ chiếm hữu phải là lãnh thổ vô chủ. Tuy hiện nay không còn lãnh thổ vô chủ để các quốc gia có tiến hành chiếm hữu, nhưng những đặc điểm của nó trở thành tiêu chí để phán xét các tranh chấp lãnh thổ hiện có của nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt là trong khu vực Biển Đông hiện nay đang có sự tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ về đảo và các vùng biển.
Thụ đắc bằng chuyển nhượng là sự chuyển giao một cách tự nguyện chủ quyền lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. Thông thường hình thức chuyển nhượng được hợp thức thông qua các điều khoản của một hiệp định chính thức mà trong đó ghi chú một cách tỷ mỉ về vùng đất được chuyển nhượng, cũng như các điều kiện để chuyển nhượng được hoàn thành.
Thụ đắc bằng chiếm hữu theo thời hiệu là sự thực hiện thực sự liên tục và hoà bình trong một thời gian dài quyền lực của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ vốn dĩ thuộc chủ quyền của một quốc gia khác hoặc chủ quyền không rõ ràng bị tranh chấp.
Thụ đắc xâm chiếm là một phương thức thụ đắc lãnh thổ diễn ra sau các cuộc chiến tranh, theo đó một quốc gia chiến thắng sáp nhập lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của quốc gia bại trận vào lãnh thổ của mình. Phương thức này chỉ tồn tại trong thời kỳ phong kiến và cũng bị diệt vong vào cuối thời kỳ phong kiến, hiện nay phương thức này hoàn toàn bị bác bỏ bởi vì nó trái với nguyên tắc không dùng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.
Thụ đắc bằng sự tác động của thiên nhiên là một hình thức thụ đắc lãnh thổ mà theo đó một quốc gia có quyền mở rộng diện tích lãnh thổ của mình thông qua việc bồi đắp một cách tự nguyện vào lãnh thổ chính hoặc bằng sự xuất hiện của các hòn đảo mọc lên trong phạm vi lãnh hải của quốc gia, hòn đảo này không chỉ trở thành một bộ phận lãnh thổ của quốc gia đó mà còn tạo nên sự mở rộng ra ngoài đường biên giới quốc gia trên biển.
Ngoài những hình thức thụ đắc lãnh thổ nêu trên còn có một số hình thức thụ đắc lãnh thổ khác, nhưng theo thời gian chúng càng ngày càng mất hết ý nghĩa thực tế. Ví dụ, việc cho tặng, việc thừa kế lãnh thổ của các vua chúa thời phong kiến. Những hình thức này trước đây cũng là những cơ sở tạo thành sự thụ đắc lãnh thổ của nhiều quốc gia.
Ngoài các trường hợp thay đổi lãnh thổ phù hợp với nội dung và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đã được thừa nhận chung thì việc chiếm cứ, thụ đắc thường rất phức tạp đối với các vùng, khu vực lãnh thổ vô chủ.
Trong quá trình phát triển chế định về chiếm cứ các vùng lãnh thổ vô chủ trải qua hai thời kỳ tương ứng với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp lý áp dụng khác nhau. Trước đây do một số quốc gia phát hiện, tìm ra những vùng đất mới trong một thời gian khá dài, luật pháp quốc tế đã thừa nhận nguyên tắc chiếm cứ hình thức. Nội dung của nguyên tắc này công nhận người thụ đắc lãnh thổ chỉ cần tiến hành một số hành vi mang tính chất hình thức hoặc tượng trưng.
Ví dụ, một quốc gia có thể xác lập chủ quyền của mình trên một vùng lãnh thổ mới được phát hiện dưới nghi thức kéo quốc kỳ, tuyên bố hay đặt quốc huy lên vùng lãnh thổ này cũng đủ tiêu chuẩn pháp lý để vùng lãnh thổ đó trở thành lãnh thổ của quốc gia mà không cần dẫn đến thực tế có tồn tại sự quản trị đó hay không. Các hành vi đó được coi là những cơ sở để xác lập hay thiết lập chủ quyền quốc gia đối với một vùng lãnh thổ mới. Nhưng sau này, chiếm cứ hình thức không được thừa nhận là cơ sở pháp lý đầy đủ để thụ đắc lãnh thổ mới.
Trong hệ thống quy phạm luật pháp quốc tế đã thừa nhận một nguyên tắc khác là nguyên tắc thật sự, trong một số tài liệu nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc chiếm cứ hữu hiệu. Đây là một nguyên tắc được hình thành từ thực tiễn quốc tế giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và ở Thái Bình Dương. Đặc biệt là các vụ giải quyết tranh chấp diễn ra trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX có giá trị pháp lý và giá trị thực tiễn rất lớn đối với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông.
Thực tiễn quốc tế đã xây dựng nên các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế để xác lập hay xác định chủ quyền đối với lãnh thổ vô chủ còn được hiểu là lãnh thổ bị bỏ rơi. Tức là, vùng lãnh thổ trước kia vốn bị chiếm hữu, sau đó nhà nước chiếm hữu tự từ bỏ quyền chiếm hữu của mình. Lãnh thổ vô chủ được hiểu ở dưới dạng rộng hơn: Khi một quốc gia nào đó thực hiện chủ quyền nhà nước của mình trên một vùng lãnh thổ trong một thời gian dài liên tục và không bị các quốc gia khác phản đối. Đó là sự chiếm hữu thật sự liên tục và hoà bình của nhà nước.
Luật quốc tế coi những tiêu chuẩn này là những bằng chứng xác nhận chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ. Chiếm hữu thật sự là việc nhà nước chiếm hữu và thiết lập quyền lực của mình một cách hoà bình. Nhà nước phải thực hiện thực sự liên tục và hoà bình quyền lực nhà nước ở lãnh thổ này.
Điều kiện thứ nhất của hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu đó là vùng lãnh thổ, đảo chiếm hữu phải là vô chủ, không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của bất kỳ quốc gia nào. Lãnh thổ vô chủ là lãnh thổ chưa từng đặt dưới sự quản trị của một quốc gia nhất định nào. Lãnh thổ đó chưa có một tổ chức quốc gia, có thể có cư dân sống trong vùng lãnh thổ đó nhưng chưa có một tổ chức nhà nước nào ở trên đó. Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ là một hình thức thụ đắc hợp pháp.
Điều kiện thứ hai của hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu đó là việc chiếm hữu phải là hành động nhân danh quốc gia hoặc được quốc gia uỷ quyền, tức là không phải hành động của tư nhân. Bất kỳ một hành động nào từ phía những người không mang danh nghĩa nhà nước đều không đủ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nhà nước, không thể làm thay đổi tính chất chủ quyền ngay cả khi các cá nhân họp thành một tập thể hay một công ty trừ khi được nhà nước uỷ quyền.
Luật quốc tế hiện đại xác nhận tính pháp lý của chiếm hữu đó là sự chiếm hữu phải thông qua một loạt các hành động thể hiện chủ quyền quốc gia một cách hiện thực rõ ràng và liên tục. Tính hoà bình của sự chiếm hữu và việc chiếm hữu phải được dư luận đương thời chấp nhận không phản đối.
Tổng hợp những tiêu chí trên tạo thành những danh nghĩa của sự thụ đắc. Trong nhiều trường hợp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được cụ thể hoá thành sự so sánh các danh nghĩa thụ đắc. Chủ quyền của lãnh thổ tranh chấp sẽ thuộc về Nhà nước nào có danh nghĩa thụ đắc cao hơn, liên tục hơn và phù hợp với luật pháp quốc tế hơn. Quyền phát hiện đầu tiên và chiếm hữu thực sự là hai phương pháp chủ yếu và có mối quan hệ biện chứng với nhau tạo nên danh nghĩa thụ đắc đối với các lãnh thổ vô chủ.
Trong hai danh nghĩa trên, quyền phát hiện ban đầu không thể tạo nên chủ quyền Nhà nước đối với một vùng lãnh thổ vô chủ, nếu không được củng cố tiếp theo bằng danh nghĩa thứ hai của chiếm hữu thực sự. Ví dụ, trong vụ tranh chấp chủ quyền giữa Mỹ và Hà Lan về đảo Palmas, trọng tài Max Huber đã tuyên bố việc thực hiện quyền lực trên thực tế một cách hoà bình trong một thời gian dài đầy đủ và cần thiết cho việc xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ vô chủ, phán quyết cuối cùng của trọng tài Max Huber là chủ quyền của đảo Palmas thuộc về Hà Lan.
Tóm lại, chiếm hữu thực sự là một loại hình thức thụ đắc lãnh thổ quan trọng tạo nên danh nghĩa chủ quyền quốc gia trên một vùng lãnh thổ vô chủ. Hình thức này được biểu hiện bằng một loạt các đòi hỏi phức tạp và đa dạng có liên quan chặt chẽ với nhau từ chỗ chiếm hữu đầu tiên bằng con đường hoà bình do các cá nhân được quốc gia uỷ quyền thực hiện sau đó được tiếp tục bằng việc thực hiện chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ đó một cách liên tục với một phương pháp vừa đủ phù hợp điều kiện hoàn cảnh của vùng lãnh thổ chiếm hữu.
Thực tiễn luật pháp quốc tế hiện đại đã quy định là, sau khi tiến hành khẳng định chủ quyền, quốc gia hữu quan phải duy trì chủ quyền của mình bằng cách thực thi chủ quyền ở cấp nhà nước một cách hoà bình và có tính chất liên tục. Điều quan trọng là ngay cả sau khi thụ đắc chủ quyền, một nước vẫn có thể mất đi chủ quyền đó trong trường hợp tranh chấp nếu bị chứng minh rằng đã thất bại trong việc duy trì chủ quyền của mình.
>>Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo
>>Bảo vệ chủ quyền biển đảo từ góc độ văn hóa
>>“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững chủ quyền biển đảo
Sự thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Qua cứ liệu lịch sử đều cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII, tức là trước khi có sự công bố bản đồ của Đỗ Bá năm 1868. Điều này có nghĩa là Nhà nước Việt Nam đã sử dụng hình thức chiếm hữu thực sự cho việc thụ đắc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Nhà nước Việt Nam. Điều nay hoàn toàn phù hợp với công bố của Nhà nước trong sách trắng của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ các chứng cứ lịch sử Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hoạt động tổ chức khai thác, khảo sát, đặt bia, xây miếu, trồng cây, bảo vệ ngư dân…, cũng như đã thể hiện ý chí thông qua hành vi của các nhà chức trách được quốc gia uỷ quyền thực hiện chủ quyền của Nhà nước trên hai quần đảo bằng cách đặt ra các quy định thưởng phạt nghiêm minh, thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo đảm an toàn bằng hàng hải quốc tế, cứu hộ người bị hại… Nhà nước đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của việc thụ đắc lãnh thổ vô chủ vào những thời kỳ đó.
Như vậy, nguyên tắc thực hiện liên tục và hoà bình quyền lực nhà nước tạo ra danh nghĩa chủ quyền đã được chấp nhận trên thực tiễn quốc tế khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Vì thế Việt Nam có thể sử dụng nguyên tắc này trong trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì trong lịch sử Nhà nước Việt Nam đã thông qua hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải thực hiện liên tục và hoà bình quyền lực của mình đối với hai quần đảo và như vậy đã xác lập chủ quyền ở đó. Về điều kiện liên tục: điều này được thể hiện rõ trong trường hợp Nhà nước Việt Nam xác lập chủ quyền trên hai quần đảo. Trong suốt hơn hai thế kỷ hoạt động của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải do Nhà nước lập ra và tổ chức là liên tục và không bị gián đoạn.
Về điều kiện hoà bình: hoà bình ở đây phải được hiểu là xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ vốn không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, bằng biện pháp hoà bình mà không bị một quốc gia nào phản đối. Khi xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng được điều kiện này. Vào thế kỷ XVII, khi Nhà nước Việt Nam tổ chức khai thác hai quần đảo thì chúng chưa hề thuộc chủ quyền của bất kể quốc gia nào. Các nước phương Tây khi đi qua hai quần đảo đều không có ý chí chiếm hữu hai quần đảo, thậm chí còn coi đây là lãnh thổ của Việt Nam. Một giáo sỹ phương Tây đi trên tàu Amphitrit từ Pháp qua Trung Quốc viết thư nói rõ: Quần đảo Paracels thuộc Vương quốc An Nam. Hơn nữa hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải là công khai.
Ngay cả Trung Quốc biết về hoạt động này cũng không phản đối. Chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo tồn tại một cách hoà bình không bị tranh chấp cho đến tận 1909, là năm đầu tiên Trung Quốc lên tiếng đòi chủ quyền một cách phi lý đối với quần đảo Hoàng Sa. Nguyên hành động khai thác một cách hoà bình và liên tục trong một thời gian dài của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải của Nhà nước Việt Nam không bị phản đối, đã đáp ứng được một cách đầy đủ các đòi hỏi của hình thức chiếm hữu thực sự. Bởi vì hành vi chiếm hữu của Việt Nam là của Nhà nước, và khi Nhà nước Việt Nam chiếm hữu thì hai quần đảo nhất là quần đảo Hoàng Sa là vô chủ.
Với một cách tiếp cận khác, bằng phương pháp so sánh danh nghĩa lịch sử của các nhà nước có tranh chấp chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc đối với hai quần đảo qua các thời kỳ lịch sử, phong kiến, thực dân và thời kỳ hiện đại.
So sánh các danh nghĩa của Việt Nam và Trung Quốc cho thấy dù trong hoàn cảnh nào các danh nghĩa của Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc. Việt Nam đã thực hiện việc chiếm hữu một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là lãnh thổ vô chủ. Danh nghĩa dành được từ thời phong kiến có thể bị suy giảm do sự không biết lịch sử Việt Nam của thực dân Pháp thời kỳ đầu tiên của chế độ thực dân vừa mới được thiết lập, đã không được củng cố và duy trì một cách hữu hiệu bởi người Pháp.
Danh nghĩa này không mất đi và cũng không bị từ bỏ. Ngay cả trong thời kỳ thuộc địa đại diện của Việt Nam bị tước quyền phát biểu trên các phương tiện ngoại giao, nhưng mỗi khi có dịp đều long trọng khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ lâu đời các bằng chứng trên các phương diện lịch sử, khảo cổ, luật pháp, văn hoá biển phong phú.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 27/12/2022
03:30, 05/12/2022
05:05, 21/06/2022
04:00, 28/12/2022