Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ thay thế Nghị định số 104/2007 vẫn còn nhiều điều kiện vô lý.
Mặc dù, Dự thảo đã có những thay đổi tích cực, bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ không cần thiết. Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự thảo này, ban soạn thảo cần phải cân nhắc một số quy định sau đây:
Vốn điều lệ 2 tỷ đồng
Về quy định công ty đòi nợ phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư và nhiều rủi ro phát sinh sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên. Nên đây thực sự là một quy định vô lý về bản chất sẽ không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trách nhiệm dân sự của công ty đòi nợ với khách hàng đòi nợ hay khách nợ trong hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác. Dường như cơ quan soạn thảo đang nghĩ rằng, việc đòi nợ luôn song hành với việc gây thiệt hại cho người liên quan, nên phải có vốn để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường? Khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ.
Chưa kể, khoản nợ hoặc gây ra thiệt hại có thể là hàng chục, hàng trăm tỷ, thì con số 2 tỷ đồng khi đó là vô nghĩa. Do đó, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Tại sao đòi nợ phải có bằng đại học?
Theo Dự thảo, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; Chưa từng bị kết án...
Trên thực tế, đây là một quy định… rất vô lý bởi so với các ngành nghề thông thường khác, ngành nghề này không có bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn. Người chỉ học hết cấp 1 vẫn được làm giám đốc doanh nghiệp và vẫn có thể rất thành công trong kinh doanh. Thì nghề đòi nợ nếu học cao biết rộng thì tốt, nhưng không có cơ sở nào bắt buộc phải có bằng đại học.
Chú ý là nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp với quy định về điều kiện kinh doanh tại Luật đầu tư 2014. Thậm chí điều kiện “chưa từng bị kết án” còn trái với nhiều luật khác. Vì dù bị kết án, mà đã được xóa án tích, thì phải coi như người chưa từng bị kết án. Chưa kể, nếu ai đó bị kết án về hành vi gây tai nạn giao thông, thì tại sao lại bị cấm làm nghề đòi nợ?
Có thể bạn quan tâm
11:02, 21/08/2018
05:23, 19/08/2018
11:03, 11/08/2018
Không cần thiết trang phục riêng
Đáng chú ý, tại khoản 11 Điều 9 Dự thảo quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải “cấp trang phục cho người lao động trong vòng 30 ngày sau khi Bộ Công an có hướng dẫn về mẫu trang phục”.
Đây tiếp tục là một quy định “đồng phục hóa thị trường” được đưa ra tại Dự thảo. Theo lý giải của Ban soạn thảo, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề có tác động đến an ninh, trật tự và cần phải nhận diện để kiểm soát thì yêu cầu về trang phục của nhân viên dịch vụ kinh doanh đòi nợ là không cần thiết. Bởi vì hiện tại, hoạt động kinh doanh này được xếp vào ngành nghề phải đáp ứng đủ các điều kiện về an ninh, trật tự và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện này trước khi có hoạt động kinh doanh.
Có nghĩa, rủi ro của các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được kiểm soát thông qua việc kiểm soát điều kiện và cấp phép này, hoàn toàn không cần thiết phải kiểm soát qua trang phục. Thử hỏi nếu như nhân viên đòi nợ phải mặc “trang phục riêng” thì có đòi được nợ không, hay người vay nợ cứ nhìn thấy bộ “trang phục riêng đó là bỏ trốn?