Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 5441/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
VCCI cho rằng, quy định tại Khoản 28 Điều 1 Dự thảo chưa làm rõ được các vấn đề chính như: các tổ chức tư nhân có quyền tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không? Để được hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cần phải thực hiện các loại thủ tục nào và có giấy phép nào? Dự thảo quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; quyết định cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động …”. Theo quy định này có thể có các thủ tục cho phép thành lập, cho phép hoạt động? Điều kiện về đề án thành lập phù hợp với quy định về hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học” được hiểu như thế nào?
Theo VCCI, “kiểm định chất lượng giáo dục” về bản chất là một dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016); và theo Điều 7 của Luật đầu tư thì chỉ có văn bản cấp Luật và Nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, tổ chức thực hiện dịch vụ này thuộc nhóm tổ chức đánh giá sự phù hợp, việc thành lập và hoạt động phải tuân thủ hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Do đó, để đảm bảo chính sách rõ ràng, tạo cơ sở cho các văn bản hướng dẫn thể hiện đúng tinh thần của Luật, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại quy định về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng phù hợp và kết nối với pháp luật về đầu tư, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời quy định rõ về các vấn đề sau:
Thứ nhất, các chủ thể có thể tham gia vào hoạt động kiểm định giáo dục (các cá nhân, tổ chức).
Thứ hai, hình thức kiểm soát hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục: Giấy phép hay là điều kiện không cần giấy phép?
Thứ ba, các loại điều kiện để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
Thứ tư, các loại thủ tục hành chính mà các chủ thể phải thực hiện khi tham gia vào hoạt động này.
Tại điểm d, Khoản 1, Điều 22 Luật giáo dục đại học hiện hành quy định một trong những điều kiện để được thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật luật giao dục hiện hành) thì “cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của nhà đầu tư nước ngoài”, có nghĩa cơ sở giáo dục có bất kỳ số vốn nào của nhà đầu tư nước ngoài đều được xem là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, cơ sở giáo dục có bất kỳ tỷ lệ vốn góp nào của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mới đáp ứng điều kiện.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 24 Luật đầu tư 2014 lại quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% sẽ áp dụng các điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, có nghĩa không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, quy định tại Điều 22 Luật giáo dục đại học hiện hành là chưa thống nhất với Luật đầu tư 2014 trong trường hợp cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%.
Từ những phân tích trên, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật giáo dục đại học hiện hành theo hướng: “Đối với cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài, phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền”.