Nhiều quốc gia đang phát triển các biện pháp để xây dựng một nền kinh tế du lịch linh hoạt hơn sau đại dịch COVID-19, trong đó Quỹ hỗ trợ du lịch được đặc biệt quan tâm.
Theo một báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) cho thấy, du lịch là một trong những ngành kinh tế lớn của thế giới. Đây là danh mục xuất khẩu lớn thứ ba (sau nhiên liệu và hóa chất) và chỉ riêng năm 2019 chiếm 7% thương mại toàn cầu.
Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến ngành này rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, tác động đến nền kinh tế, sinh kế, dịch vụ công cộng và cơ hội trên tất cả các châu lục. Ngành du lịch là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch, và cũng có nguy cơ phục hồi cuối cùng, cùng với những hạn chế đi lại đang diễn ra và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cũng theo thống kê từ UNWTO, lượng du lịch quốc tế đã giảm khoảng 80% vào năm 2020. Các luồng du lịch quốc tế dự kiến sẽ không phục hồi đầy đủ trong năm 2021 và có thể sẽ phải mất vài năm. Doanh thu du lịch giảm từ 910 tỷ USD cho đến 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Đồng thời có tới 100 triệu việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đang gặp rủi ro, bên cạnh đó là các lĩnh vực liên quan đến du lịch như các ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú sử dụng nhiều lao động cung cấp việc làm cho 144 triệu lao động trên toàn thế giới cũng bị ảnh hưởng, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ (chiếm 80% du lịch toàn cầu) đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, với việc triển khai vắc-xin sẽ phải mất thêm một thời gian dài nữa và điều này có thể sẽ tiếp tục tổn hại thêm đến niềm tin phục hồi của doanh nghiệp, của khách du lịch cũng như triển vọng tồn tại của doanh nghiệp du lịch.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia hiện cũng đang phát triển các biện pháp để xây dựng một nền kinh tế du lịch linh hoạt hơn sau COVID-19. Chúng bao gồm chuẩn bị các kế hoạch hỗ trợ phục hồi bền vững du lịch, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển sang một hệ thống du lịch xanh hơn, và suy nghĩ lại về du lịch cho tương lai.
Cùng với đó là việc xây dựng các Quỹ hỗ trợ, phục hồi và phát triển du lịch đặc biệt được các chính phủ quan tâm.
Năm 2020, chính phủ Úc đã công nhận tác động to lớn của COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch nước này. Họ thành lập Quỹ Phát triển Du lịch(TDF) để hỗ trợ và kích thích đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở lưu trú mới và cải tiến trong khu vực, đồng thời phát triển các sản phẩm và trải nghiệm du lịch chất lượng.
Quỹ này nhằm mục đích: Cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch và trải nghiệm thu hút các thị trường mục tiêu. Tăng lợi ích kinh tế thông qua tăng chi tiêu của du khách. Tạo công việc mới và phát triển kỹ năng. Đồng thời, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng và vật chất dành cho du khách, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác làm việc và thực hiện các phương thức kinh doanh bền vững.
Thông qua Ủy ban Du lịch Úc, Chính phủ đã cam kết 20 triệu USD cho Quỹ Phát triển Ngành Du lịch trong vòng hai năm để hỗ trợ du lịch trong nước. Các doanh nghiệp du lịch nước này có thể tìm kiếm các khoản trợ cấp từ 20.000 đô la Úc cho đến 500.000 đô la Úc, với mức tài trợ của Chính phủ Tiểu bang tối đa là 30% trên tổng giá trị dự án.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai nước đặc biệt quan tâm đến ngành du lịch, họ cùng cam kết sẽ huy động vốn cho Quỹ Phát triển Du lịch (TDF) để hỗ trợ ngành trong bối cảnh khó khăn trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, Chan Chun Sing cho rằng: "Trong ngắn hạn, vẫn sẽ có những khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ lĩnh vực du lịch, giúp các doanh nghiệp và người lao động của chúng tôi xây dựng năng lực mới và tạo ra những bước ngoặt mới".
Các khoản tài trợ chính theo quỹ cũng sẽ có mức hỗ trợ cao hơn tiếp tục cho đến cuối tháng 3 năm 2022, sau khi ngân sách hỗ trợ khả năng phục hồi của năm 2020 đã nâng mức hỗ trợ tối đa cho một số chi phí đủ điều kiện.
Quỹ Phát triển du lịch Singapore(TDF), được thành lập vào năm 2005, có nhiệm vụ tăng doanh thu du lịch, lượng khách đến thăm và việc làm trong lĩnh vực dịch vụ. Quy mô của giai đoạn 5 năm gần đây nhất là 848,5 triệu đô la Singapore.
Tại Thái Lan, Bộ Du lịch và Thể thao nước này dự kiến khoản phí du lịch 300 baht thu được từ du khách nước ngoài trong năm 2021 để thành lập một Quỹ du lịch nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp đang bị tàn phá.
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, quỹ này rất quan trọng đối với du lịch Thái Lan, cho phép các nhà khai thác tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính từ ngân sách này ngay lập tức khi đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho rằng, mặc dù đại dịch bùng phát trở lại khiến mọi hoạt động du lịch dừng lại trong hai tháng đầu năm nay nhưng vẫn có thể đạt được mục tiêu 100-150 triệu lượt khách trong nước và 5-10 triệu lượt khách nước ngoài. Việc phân phối vắc-xin COVID-19 sẽ tạo cơ hội lớn hơn để đưa những du khách quốc tế đã được tiêm chủng trở lại Thái Lan trong năm nay.
Nếu để so sánh, có lẽ Quỹ Phát triển Du lịch Mới của Ả Rập Xê Út có thể được coi là Quỹ lớn nhất thế giới.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Du lịch Ả Rập Xê Út, Ahmed Al-Khateeb, thông báo thành lập Quỹ Phát triển Du lịch với số vốn ban đầu là 15 tỷ SAR (tương đương 4 tỷ USD).
Với mục tiêu là Chương trình Chuyển đổi Quốc gia ("NTP") nhằm tiếp thị Ả Rập Xê Út như một điểm đến du lịch trong khu vực và trên toàn cầu. Quỹ có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và hỗ trợ các khoản đầu tư, khuyến khích sự phát triển của ngành du lịch Ả Rập Xê Út và vượt qua một số thách thức mà quỹ phải đối mặt.
“Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia” là một khuôn khổ chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc của Ả Rập Xê-Út vào dầu mỏ, đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển các ngành dịch vụ công cộng, bao gồm cả du lịch.
Còn tại Việt Nam, mãi đầu năm 2019, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch mới bắt đầu đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt” về vốn đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Quỹ vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế.
Được coi là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 300 tỷ đồng), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.
Ban đầu, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập nhằm hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch. Mức hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động do cơ quan ở Trung ương chủ trì; hỗ trợ tối đa 70% kinh phí đối với hoạt động do cơ quan ở địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với hoạt động do doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành, tổ chức khác về du lịch chủ trì.
Nhưng gần đây mới có đề xuất tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho rằng, Dự thảo vừa mới được ban hành, hiện nay Quỹ mới bắt tay vào giai đoạn sắp xếp các cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành tài chính, cơ chế phối hợp và các định hướng khác. Chính vì vậy, sau khi đi vào ổn định, Quỹ sẽ có những thông tin chính thức và sâu rộng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
VTS 2021 - Làn sóng thúc đẩy khởi nghiệp Du lịch sáng tạo
14:27, 28/05/2021
Ngân sách Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch: Cần linh hoạt cách tiếp cận, triển khai
16:05, 27/05/2021
Thanh Hóa: Nhân sự ngành du lịch chật vật mưu sinh
11:00, 27/05/2021
Bản sắc và bản sao trong kiến trúc du lịch ven biển
05:00, 27/05/2021
Dự thảo kinh phí cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, doanh nghiệp mong đợi gì?
15:00, 26/05/2021