Quy hoạch du lịch, Tây Nguyên nắm lợi thế nào?

MAI CHIẾN 24/07/2024 01:00

Đánh thức tiềm năng du lịch ở Tây Nguyên cần có những bước đi cụ thể. Bên cạnh việc khai thác sự đa dạng văn hoá, ẩm thực, các tour du lịch,... cần có sự đầu tư từ DN cũng như ngân sách công.

>>Du lịch Tây Nguyên: Động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế

Trong quy hoạch phát triển du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, các tỉnh Tây Nguyên nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận.

 Trải nghiệm đi bộ trong sương là đặc sản của du lịch Tây Nguyên đem lại cảm giác vượt qua chính mình.

Trải nghiệm đi bộ trong sương là đặc sản của du lịch Tây Nguyên đem lại cảm giác vượt qua chính mình.

Khai thác tiềm năng

Lợi thế của Tây Nguyên là núi rừng tự nhiên, sở hữu văn hoá các dân tộc thiểu số đa dạng, ẩm thực phong phú. Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hoá, thông tin và thể thao thành phố Pleiku cho hay: “Thành phố đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó khai thác tối đa sự đa dạng văn hoá, phong tục của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài ra, sự yêu thích ẩm thực của người J’rai, Ba Nah, cũng là yếu tố lợi thế để phát triển du lịch. Nghị quyết 06 của Thành uỷ Pleiku cũng nêu rõ phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Có giải pháp bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương để giải quyết tốt việc làm và an sinh xã hội, phát triển du lịch bền vững theo hướng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã và đang thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động dẫn tour tham quan tăng về số lượng.
Nhờ có sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ghi nhận 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, du lịch khu vực Tây Nguyên đã có sức tăng trưởng mạnh trở lại. Trong đó, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk đã ghi nhận có số trên 1 triệu du khách. Chính vì vậy, thị trường du lịch đã bắt đầu có những “cá mập” đến nghiên cứu tìm hiểu đầu tư. Thống kê của ngành chức năng, có 6 nhóm sản phẩm du lịch được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đó là du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp; du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hoá tâm linh; du lịch đô thị, du lịch nghĩ dưỡng.

Kỳ vọng lợi thế và con đường bền vững

Trong những quy hoạch du lịch của các địa phương ở khu vực đều gắn với thiên nhiên, các khu bảo tồn, mạng lưới thác, hồ và các di sản.

Trong hội thảo phát triển bền vững về du lịch và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên do Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Gia Lai tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân nêu: “Phải biến di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái bền vững, mang đậm bản sắc Tây Nguyên theo hướng công nghiệp văn hóa và phải có những di sản đủ sức hấp dẫn. Để những di sản đó được khách du lịch quan tâm và hứng thú đến thì các địa phương phải quan tâm tìm kiếm, phát hiện, thẩm định. Rồi sau đó, phải thường xuyên chăm chút, bảo tồn, phát huy giá trị… để di sản ngày càng đẹp lên cả về nội dung, hình thức và đủ sức biến thành “tư liệu sản xuất” cho ngành du lịch văn hóa”.

Trong quy hoạch của Chính phủ, du lịch sinh thái Tây Nguyên được quan tâm phát triển bởi đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa. Lợi nhuận thu từ hoạt động du lịch sẽ đóng góp cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đồng thời phổ biến kiến thức cơ bản về sinh thái học cho cộng đồng dân cư và du khách, phát huy ý thức bảo vệ môi trường.

“Du lịch Tây Nguyên ngày một khởi sắc, với hàng loạt điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận. Tiềm năng trong ngành du lịch ngành càng rộng mở, nhất là khai thác những đặc trưng của Tây Nguyên mà không nơi đâu có được. Do đó, chúng tôi đã đầu tư vào ngành du lịch với dịch vụ đặt chỗ và quảng bá và tổ chức tour du lịch. Hy vọng với các Quyết định của Chính phủ, đề án của các địa phương, cùng sự đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp sẽ đem lại hơi thở mới cho ngành du lịch Tây Nguyên”, anh Mai Ngọc Lưu – Giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu GOLDGROUP chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Tây Nguyên: Động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế

    Du lịch Tây Nguyên: Động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế

    00:10, 05/08/2023

  • “Đánh thức” du lịch Tây Nguyên

    “Đánh thức” du lịch Tây Nguyên

    03:00, 22/04/2023

  • "Miếng bánh ngon" cho du lịch Tây Nguyên

    03:00, 16/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy hoạch du lịch, Tây Nguyên nắm lợi thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO