Hôm nay (8/3), quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP được áp dụng tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
00:15, 01/03/2019
06:30, 21/01/2019
06:30, 10/12/2018
Doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ hàng hóa
So với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, tái chế tạo; công thức tính RVC: ngoài công thức tính RVC gián tiếp và RVC trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô); danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. Do đặc thù cấu trúc danh mục PSR thuộc CPTPP, Thông tư gồm 3 danh mục PSR: danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại.
Điểm khá mới trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là doanh nghiệp được tự khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa.
De Minimis trong CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “Chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa.
Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “linh hoạt” này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa.
Mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư.
Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Doanh nghiệp gặp khó
Nói về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định này bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế, phần lớn năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu cả về vốn và công nghệ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó hiểu rõ về các quy định, cũng như đáp ứng yêu cầu khi tham gia xuất khẩu sang các thị trường CPTPP. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngại thay đổi và nhận thấy khó đáp ứng được những quy định nên còn thờ ơ với Hiệp định CPTPP.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, thực tế, có nhiều doanh nghiệp, với nền tảng tài chính và quản trị còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu không phải là thế mạnh nên am hiểu về CPTPP, quy định xuất xứ từ hiệp định này còn hạn chế.
"Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt khi hội nhập, thực hiện các cam kết của CPTPP. Do vậy, bản thân doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được tầm quan trọng của các quy tắc xuất xứ, tìm hiểu những quy định liên quan đến ngành hàng của chính mình", ông Mạc Quốc Anh cho hay.
Tương tự, bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho biết, cách duy nhất để được hưởng mức ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một Hiệp định/ Thỏa thuận Thương mại tự trong đó có CPTPP. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi thì nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc Tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA (trong đó có TPP).