Dù Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thực thi nhưng tình trạng vi phạm quyền của người tiêu dùng vẫn xảy ra. Tâm lí tránh phiền phức, ngại đòi hòi đã khiến nhiều người Việt tặc lưỡi bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 lấy chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” nhằm kêu gọi vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Việt còn e dè trước quyền của mình
Mua hàng trực tuyến trên mạng đang dần trở nên phổ biến. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, không ít người tiêu dùng đã phải “ngậm trái đắng” bởi những trang bán hàng kém chất lượng, làm ăn chộp giật. Anh Thành (phố Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, Hải Phòng) kể, anh đã rất hào hứng khi mua được một chiếc điện thoại đời mới với giá rẻ hơn nhiều so với các siêu thị điện máy từ một trang web bán hàng trực tuyến có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 1 tháng sử dụng, chiếc máy bắt đầu có vấn đề. Anh liên hệ với cửa hàng nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn sẽ giải quyết rồi biệt tăm. Dù rất bức xúc với thái độ của nhân viên nhưng anh Thành không biết đòi hỏi quyền lợi của mình ở đâu?
Rõ ràng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thực thi 6 năm nay nhưng tỷ lệ người tiêu dùng biết và nắm rõ lại rất thấp. Một bộ phận người tiêu dùng chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, trong khi một bộ phận khác lại dễ dàng thỏa hiệp để tránh bị phiền phức. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng chưa biết có quyền lợi và được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Phòng cho biết: “Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua 6 năm thi hành nhưng tỷ lệ người nắm vững còn thấp, người tiêu dùng còn chưa hiểu mình có những quyền gì, trách nhiệm nghĩa vụ ra sao. Chúng tôi rất mong nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, mỗi người hãy trang bị thêm cho mình kiến thức tiêu dùng, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng để cùng nhau bảo vệ chính mình và góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng cần phát huy quyền của mình để thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ người tiêu dùng”.
Tuyên truyền rộng khắp đến người dân
Mới đây, tại Siêu thị Nguyễn Kim, Sở Công Thương Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 và Chương trình ký cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Hải Phòng tổ chức chương trình này nhằm tuyên truyền, phổ biến quyền của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Thông qua Chương trình ký cam kết, Sở Công Thương phát động và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng như hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ tư vấn sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại...như: tổ chức tháng/tuần lễ bảo hành, sửa chữa miễn phí sản phẩm của doanh nghiệp; tổ chức chương trình cho phép đổi/trả lại hàng hóa miễn phí trong một thời gian nhất định; tổ chức tháng/tuần lễ/chương trình khuyến mại, ưu đãi, giảm giá cho người tiêu dùng; công khai đầu mối liên hệ, tổng đài về chăm sóc khách hàng, giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại của người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng; tổ chức hội nghị phổ biến quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Ngay trong Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018, đã có 10 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cam kết với các cơ quan quản lý nhà nước sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Văn Thành - PCT UBND Thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, các đơn vị cần tăng cường hơn nữa các biện pháp thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả để hạn chế tối đa và ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ không an toàn cho người tiêu dùng; kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hãy vì lợi ích lâu dài của mình, nêu cao trách nhiệm với người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng hãy góp phần tích cực hơn nữa vào công tác tuyên truyền về quyền và lợi ích của người tiêu dùng, về trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng dịch vụ. Và mỗi người tiêu dùng hãy nâng cao hiểu biết, kiến thức về tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, an toàn, trở thành người tiêu dùng bền vững.
Theo Quyết định 1035/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15-3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Hoạt động hưởng ứng ngày quyền người tiêu dùng năm 2018 trên địa bàn thành phố Hải Phòng không chỉ diễn ra trong tháng 3 mà còn tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2018.
Theo báo cáo của công ty đo lường Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) Việt Nam quý IV/2017 giảm 1 điểm so với quý trước, đạt 115 điểm. Tuy vậy, niềm tin của NTD Việt vẫn giữ ở mức cao trong suốt năm 2017 - giúp Việt Nam tiếp tục xếp thứ 7 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu.
Kết quả của chỉ số niềm tin NTD trong năm 2017 cho thấy khu vực Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có niềm tin cao nhất trên toàn cầu, với 3/6 quốc gia nằm trong top 10 quốc gia lạc quan nhất toàn cầu, bao gồm Philippines, Indonesia và Việt Nam.