Rà soát dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ

NGUYỄN VIỆT 15/10/2021 19:05

Rà soát các lĩnh vực có nhiều dư địa để tập trung thực hiện chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ phục vụ hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc làm việc với các cơ quan về việc điều hành, phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngày 15/10.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Phối hợp, điều chỉnh 2 chính sách này với liều lượng hợp lý, vào thời điểm phù hợp, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân…

Các lĩnh vực tài chính ngân sách, tiền tệ đều liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, nên với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, cuộc họp sẽ là dịp để các cơ quan trao đổi, nắm tình hình và gợi mở các vấn đề cần được quan tâm trong điều hành chính sách.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Ủy ban của Quốc hội tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ rà soát các lĩnh vực có nhiều dư địa để tập trung thực hiện chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, phục vụ hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế.

Đánh giá về  các gói hỗ trợ từ đầu năm 2021 đến nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, đối với gói hỗ trợ tài khóa, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất năm 2021 (quy mô 115 nghìn tỷ đồng) với giá trị thực ước tính 1.917 tỷ đồng, tương đương 0,03% GDP năm 2020.

Đây thực chất là việc cho phép doanh nghiệp, người dân được hoãn trả thuế và tiền thuê đất (giá trị hỗ trợ thực ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn), gồm gia hạn nộp thuế GTGT trong 5 tháng (quy mô 68.800 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ khoảng 1.147 tỷ đồng; gia hạn tiền thuế TNDN trong 3 tháng (quy mô 40.500 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ ước tính 354 tỷ đồng.

Gia hạn nộp thuế thu nhập hộ kinh doanh, cá thể năm 2021 (quy mô 1.300 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 18 tỷ đồng và gia hạn tiền thuê đất trong 5 tháng (quy mô 4.400 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 39 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa khác, cụ thể cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn 1 năm (quay vòng tối đa 2 lần) hỗ trợ Vietnam Airlines; đã ký kết hợp đồng tín dụng ngày 7/7/2021; tổng giá trị ngân sách hỗ trợ (thông qua NHNN) khoảng 480 tỷ đồng (giả định quay vòng tối đa).

Ngày 24/6/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC về vệc giảm 30 khoản phí, lệ phí, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến 31/12/2021 để tiếp nối chính sách giảm phí, lệ phí quy định tại Thông tư 112/2020/TT-BTC sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2021.

Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Ước tính quy mô hỗ trợ của gói hỗ trợ này là 1.000 tỷ đồng. Ngày 4/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ kinh tê với quy mô 23.000 tỷ đồng trên theo nguyên tắc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những công việc không đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao.

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ được giải ngân về các xã để xây dựng danh mục dự án cộng đồng, phúc lợi chung như làm đường dân sinh, dọn vệ sinh đường phố, trồng rừng hoặc trồng cây xanh cảnh quan. Tiến độ triển khai chưa được cập nhật cụ thể.

Ngày 16/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, giá trị khoảng 21.300 tỷ đồng (ban hành trước 1/10/2021).

Ngày 22/9/2021, UBTVQH nhất trí thông qua việc chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19. Tổng chi NSNN cho phòng chống dịch trong 6 tháng 2021 khoảng 4.650 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gói giải pháp tiền tệ - tín dụng cũng đã được bổ sung, điều chỉnh. Năm 2021, NHNN đã ban hành 2 Thông tư (Thông tư số 03 ngày 3/4/2021 và Thông tư số 14 ngày 7/9/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, các Thông tư đã quy định mở rộng thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ; mở rộng thời hạn miễn, giảm lãi, phí; mở rộng thời hạn giữ nguyên nhóm nợ. Gần đây nhất, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 (2020) và Thông tư 03 (2021) ban hành ngày 7/9/2021 đã mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và 7/9/2021, kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ thêm 6 tháng (từ 31/12/2021 đến 30/6/2022), và tiếp tục chính sách giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022.

“Chính sách này theo chúng tôi là phù hợp vì một mặt tiếp tục hỗ trợ giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, mặt khác giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, qua đó giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD miễn giảm phí dịch vụ, giảm lãi suất cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, TS. Cấn Văn Lực nói.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân bình luận, Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết.

“Thời gian qua, tỷ lệ cung tiền của Việt Nam so với GDP đang rất cao, làm cho không gian chính sách rất hạn hẹp, dòng tiền không đi vào khu vực sản xuất mà tập trung rất nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt như vàng, chứng khoán, bất động sản... cũng làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, muốn tăng trưởng trong dài hạn điều quan trọng là phải huy động được nguồn lực trong dân và giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì mới giữ được các nguồn lực của nền kinh tế”, PGS. TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Công việc cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã hoàn tất

    22:07, 14/10/2021

  • Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV: Chất lượng cao nhất, quyết sách đúng nhất

    12:47, 13/10/2021

  • Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Đổi mới cách nghĩ, cách làm

    00:00, 13/10/2021

  • Cơ cấu nền kinh tế tính đến dịch bệnh khó đoán định

    22:17, 12/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO