Thế giới đang đòi hỏi tỷ lệ nguyên liệu tái chế có trong sản phẩm ngày càng cao. Thải đi rác cũng chính là thải đi 80% nguyên liệu tái chế cho sản xuất.
>> Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%
Sáng nay, ngày 11/10/2023, Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 14 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải Vietwater 2023 và Triển lãm về ngành xử lý chất thải & công nghệ môi trường tại Việt Nam – WETV 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM.
Tại đây, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của các giải pháp xử lý chất thải nói chung và chất thải nước nói riêng.
Ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, đơn vị tổ chức Vietwater 2023, chia sẻ: “Nước là giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng, từ biến đổi khí hậu, giảm thiểu đa dạng sinh học, bất bình đẳng đến sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế. Bước đầu tiên cần làm để đến gần hơn với việc quản lý nguồn nước đô thị, công nghiệp và tưới tiêu hiệu quả là đảm bảo cung cấp đầy đủ các công nghệ xử lý nước và nước thải”.
Giáo sư Ali Saleh, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu ứng dụng môi trường Texas, đại diện cho Hiệp hội Nước, Môi trường và Địa chất Đông Nam Á nhấn mạnh: “Việt Nam có một vị trí rất quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực và may mặc của thế giới. Ngành nước Việt Nam không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của đất nước, mà còn ảnh hưởng tới cả sự bền vững của chuỗi lương thực, may mặc toàn cầu”.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, cũng cho rằng: tái chế, xử lý nước thải là một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại hiện nay.
Thế giới đang đứng trước các bài toán nan giải về môi trường nước, trong đó có sự gia tăng đáng kể của các sản phẩm nhựa dùng một lần. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc xử lý và tái chế. Tất cả đang đối mặt với việc cần thay đổi, cập nhật liên tục công nghệ xử lý nước, với việc quản lý một lượng lớn chất thải nhựa, cũng như tìm cách thu gom, tái chế và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá, đấy là những thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp trong ngành tái chế trong thời gian ngay trước mắt.
Ông dẫn thông tin trên truyền thông nói rằng, thị trường thế giới bắt đầu có những yêu cầu phải sử dụng các nguyên liệu tái chế. Các sản phẩm phải đạt tỷ lệ từ 30 đến 60%.
>> Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%
Tuy nhiên, việc sản xuất các nguyên liệu tái chế này ở Việt Nam còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ và chất lượng chưa đảm bảo. Việc sản xuất vải từ lá sen, bột ngô, tre, nứa, v.v. kỹ thuật chưa được hoàn theiejn và đẩy giá thành lên cao. Ở Việt Nam chưa có nhà máy nào đủ năng lực sản xuất ổn định. Việt Nam vẫn đang bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường từ Trung Quốc. Đây là một lỗ hổng thị trường rất lớn của doanh nghiệp Việt.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 từ năm 2050. Chính vì thế, các sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo tín chỉ các bon, chứng minh giảm thiểu được lượng phát thải các bon và tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế.
Những điều này chính là thời cơ để ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải và ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam phát triển, góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước.
Cũng vì những yêu cầu bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế, lúc này, chất thải không còn là thứ phải “thải” đi nữa, mà chính là một nguồn tài nguyên. Chất thải khi được phân loại, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để tái chế, tái sử dụng thì phải được ứng xử như là sản phẩm, hàng hóa.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta đem đốt chất thải thì nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên từ chất thải bởi 80% lượng chất thải đều có thể tái chế, tái sử dụng”.
Ông cũng cho biết, năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch các bon. Các đơn vị hiện đang làm công tác thu gom, xử lỹ, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ các bon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo được hạn ngạch các bon.
Triển lãm năm nay quy tụ được 450 doanh nghiệp tham gia. Trong đó có nhiều nhà sản xuất, phân phối thiết bị, máy móc và công nghệ phục vụ ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải hàng đầu trên thế giới. Trong số đó có nhiều giải pháp từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel,...
Trên tổng diện tích 10.000m2, các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm thuộc hạng mục về công nghệ xử lý, giám sát, quản lý, cấp thoát nước, nước thải, chất thải công nghiệp và đô thị; công nghệ xử lý bùn; nước mưa; nước siêu tinh khiết; công nghệ sản xuất nước đóng chai; khử muối và khử nước; công nghệ khử trùng và ô nhiễm sinh học; các hệ thống xử lý tự nhiên; các sản phẩm phục vụ thuỷ lợi; tưới tiêu, thoát nước; màng/lọc; đồng hồ thông minh; ống, phụ tùng nước; bơm và van; các dụng cụ kiểm tra & đo lường nước; các công nghệ xanh, tái sử dụng nước, công nghệ nước bền vững; công nghệ quản lý chất thải rắn cùng nhiều hạng mục sản phẩm liên quan đến nước, chất thải khác.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 13/10/2023.
Có thể bạn quan tâm