Siêu đô thị Hà Nội hơn 8 triệu dân không thể chỉ trông chờ vào 1-2 bãi chôn lấp rác đang quá tải và một nhà máy điện rác.
>>Nam Định: Khi nào Dự án xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành được... khởi công?
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn Thủ đô khoảng 7000 tấn/ngày đêm. Được tiếp nhận xử lý hàng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý hành chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, nhưng vẫn xảy ra ùn ứ cục bộ, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Mới đây thôi, tại Phường Thịnh Liệt (Hà Nội), vì công nhân vệ sinh bị nợ lương không đi thu gom nên mọi ngóc ngách ở Phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội ngập trong rác thải. Rác chất đống kèm mưa xuống nên nhiều khu dân cư bị ô nhiễm môi trường.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, một số tuyến đường như: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Khang, Duy Tân, Lê Văn Lương, Hoàng Ngân, Phạm Hùng, Xuân Thủy… rác thải cũng chất đống tại các điểm tập kết rác. Nhiều khu vực nước rỉ rác chảy lênh láng trên đường bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có 2 khu Nam Sơn và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) hoạt động. Trong đó khu Nam Sơn sau hơn 20 năm hoạt động, các ô chôn lấp đã quá tải. Những năm gần đây, Nam Sơn nhiều lần phải đóng cửa do người dân sinh sống trong khu vực chặn xe vào.
Cho dù thành phố đã nỗ lực giải quyết các vấn đề phát sinh nhưng với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt 7.000 tấn mỗi ngày; hầu hết xử lý theo phương pháp chôn lấp và chủ yếu là đổ về bãi Nam Sơn trong khi khu vực này đã quá tải.
Trong khi đến thời điểm này, hầu hết các nhà máy điện rác trên địa bàn Hà Nội đều chậm tiến độ hoặc hoạt động không hiệu quả. Thành phố hiện trông chờ vào nhà máy đốt rác phát điện do tư nhân đầu tư, song dự án đã chậm tiến độ và đến tháng 7 vừa qua mới vận hành với công suất khoảng 1.000 tấn rác mỗi ngày. Nó khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư, cũng như có hay không những khuất tất đằng sau dự án này?
>>Loay hoay xử lý rác thải trên lòng hồ thuỷ điện ở Nghệ An
>>Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt: Vướng mắc ở đâu?
>>Mở thêm cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác thải
Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc dự án chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như tốn kém về mặt kinh tế. Tồn đọng rác với khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, cả đất, cả nước và không khí. Cũng vì ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân bức xúc dẫn đến tác động làm lộn xộn trong xã hội. Nếu để ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Dĩ nhiên, những khó khăn khi thực hiện các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được giới chuyên gia nhận định là do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai; Việc lựa chọn công nghệ của các nhà đầu tư đối với những dự án được chấp thuận chủ trương thời điểm trước năm 2016 chưa phù hợp với định hướng hiện nay về việc sử dụng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng phát điện.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải thu hồi năng lượng phát điện theo quy định phải thực hiện nhiều công đoạn và phải được nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình triển khai: Thẩm định, phê duyệt công nghệ, đánh giá tác động môi trường (cấp Bộ), thiết kế kỹ thuật (cấp Bộ), bổ sung quy hoạch điện (cấp Chính phủ), đấu nối và ký hợp đồng phát điện lên lưới (EVN)…. và thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành cấp trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, EVN.
Dù nói thế nào đi nữa, vấn đề rác thải Hà Nội giờ nó mong manh đến nỗi, chỉ cần công nhân môi trường đình công 1-2 ngày vì chưa có chế độ lương thưởng, hoặc bãi rác Nam Sơn gặp “sự cố” thì lập tức môi trường Hà Nội có vấn đề.
Và siêu đô thị Hà Nội hơn 8 triệu dân không thể chỉ trông chờ vào 1-2 bãi chôn lấp rác đang quá tải và một nhà máy điện rác. Đáng nói hơn, Hà Nội đang xây dựng một thành phố thông minh, mà thành phố thông minh phải là thành phố phục vụ tốt hơn cho người dân, là đô thị không rác thải.
Vậy thành phố đó ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý đô thị như thế nào? Với môi trường ra sao? Công nghệ số sẽ là yếu tố quyết định trong nền kinh tế tuần hoàn rác.
Muốn thành công trước hết phải thay đổi tư duy quản lý đô thị. Và giải pháp căn cơ cho vấn đề môi trường rác thải của Hà Nội phải bắt nguồn từ việc thực hiện tốt Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Có thể bạn quan tâm
00:02, 07/11/2022
02:30, 19/10/2022
11:07, 14/10/2022
02:20, 11/10/2022
01:03, 30/09/2022