Du lịch

Rào cản nào với Đà Nẵng trong phát triển du lịch y tế?

Tuấn Vỹ 04/05/2025 06:39

Đà Nẵng vẫn chưa hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe.

Để phát triển lĩnh vực du lịch y tế, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025 -2030 làm căn cứ quan trọng để thúc đẩy tiềm năng và lợi thế của địa phương. Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách quốc tế với các bệnh viện chính được khách du lịch khám chữa bệnh.

Dù lợi thế có sẵn, tuy nhiên đến nay Đà Nẵng vẫn chưa hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe. Khách du lịch tới Đà Nẵng chủ yếu khi có các tình trạng bị đau, ốm sẽ đến khám chữa bệnh, khách chưa có thói quen và xu hướng tìm kiếm đến Đà Nẵng để điều trị, khám chữa các bệnh hoặc làm thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, hoặc có với số lượng còn manh mún rất thấp.

hatangdulich.jpeg
Đà Nẵng lợi thế về du lịch từ thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng, yếu tố thiên nhiên, hạ tầng du lịch hiện đại,... thích hợp với hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu,...

Đại diện Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho biết hiện nay địa phương chưa triển khai khảo sát đánh giá và phân tích nhu cầu thị trường khách du lịch y tế, các hoạt động truyền thông về y tế còn chưa nhiều chủ yếu thông qua các đài truyền thanh địa phương, website các cơ sở y tế, chưa có kế hoạch xúc tiến riêng đúng phân khúc và đúng nhu cầu thị trường đang tìm kiếm. Thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã có các chính sách dành cho hoạt động du lịch y tế đang được quan tâm như Kế hoạch cho giai đoạn 2025-2023; các quy định về thị thực tạo điều kiện cho khách du lịch Việt Nam đã mở visa cho nhiều nước và các quy định cung cấp các ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đã thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng của thị trường.

“Cơ sở hạ tầng y tế đang ngày càng phát triển, Đà Nẵng có 5 lợi thế để có thể phát triển về Tầm soát sức khỏe định kỳ; Phục hồi chức năng y học cổ truyền; Khám thai định kỳ tầm soát bệnh lý, chăm sóc mắt, dịch vụ nha khoa thẩm mỹ với mạng lưới y tế với 30 bệnh viện, 06 cơ sở y tế chuyên ngành; 47 trạm y tế xã phường và hơn 1000 phòng khám chuyên khoa tư nhân, 03 cơ sở sản xuất thuốc. Đội ngũ lực lượng lao động bác sĩ và điều dưỡng dồi dào đang đứng thứ 3 cả nước. Ngoài ra còn có 10 cơ sở Y khoa đào tạo đại học và cao đẳng trên địa bàn”, vị đại diện cho hay.

Theo BS. Ngô Đức Hải – Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh Viện Thiện Nhân Đà Nẵng, thành phố có lợi thế về du lịch – thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng Đà Nẵng từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam, nhờ hội tụ trọn vẹn những yếu tố thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng du lịch hiện đại và bản sắc văn hóa phong phú. Theo vị này, các lợi thế của Đà Nẵng nên một môi trường lý tưởng cho các hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, có thể dễ dàng tích hợp các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu,...

Nói về lý do du lịch y tế Đà Nẵng chưa phát triển mạnh, BS. Hải cho rằng tại đây chưa có nhiều những sản phẩm y tế đặc biệt có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, sản phẩm có thể có chất lượng chuyên môn cao như các can thiệp tim mạch, thần kinh, IVF… lại chưa kèm chất lượng dịch vụ chuẩn quốc tế để khách quốc tế chọn lựa. Ngoài ra, chưa có nhiều cơ sở y tế đạt các chuẩn quốc tế như JCI, ACHS,…

“Các bệnh viện hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, dịch vụ y tế quốc tế còn hạn chế. Thiếu các trung tâm điều trị chuyên sâu, trung tâm phục hồi chức năng, hay mô hình “clinic resort” theo tiêu chuẩn quốc tế”, vị này nhận định.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các lý do như chưa có chiến lược phát triển đúng đắn của chính phủ như chưa có chiến lược tổng thể hoặc chính sách dài hạn cho việc phát triển các sản phẩm y tế cạnh tranh, sự phối hợp giữa ngành y tế – du lịch – công nghệ còn rời rạc, thiếu liên kết hệ thống. Cùng với đó là thiếu chiến lược marketing và truyền thông quốc tế như chưa có thương hiệu rõ ràng về du lịch y tế, thiếu đội ngũ tiếp thị chuyên nghiệp, các chiến dịch quảng bá tại thị trường nước ngoài chưa được triển khai bài bản,...

dulichsuckhoe.jpg
Đã có nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại điểm đến du lịch để phục vụ du khách.

TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt – Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng còn có lý do từ liên kết giữa bệnh viện – công ty lữ hành – khách sạn – hãng vận chuyển – đơn vị bảo hiểm y tế quốc tế... vẫn rời rạc. Đồng thời, vẫn thiếu mô hình công – tư để phát triển hệ sinh thái du lịch y tế bền vững, chưa có nhiều khu điều trị, quy trình dịch vụ riêng biệt cho khách du lịch quốc tế;Thiếu các trung tâm y tế kết hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ trọn gói; Dịch vụ y học cổ truyền – phục hồi chức năng còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa đủ hấp dẫn,...

Vì vậy, TS. Nguyệt đề xuất các nhóm giải pháp từ thể chế, cơ chế và liên kết về các quy định, chính sách đặc thù, liên kết giữa y tế - du lịch – truyền thông – doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế du lịch.

“Ngành cũng cần tập trung xây dựng các gói sản phẩm, mô hình du lịch y tế đặc thù. Đồng thời, nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ năng và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để tiếp cận thị trường”, TS. Nguyệt khuyến nghị.

Tại Hội nghị mới đây, ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng thừa nhận rằng lĩnh vực du lịch y tế với địa phương còn khá mới và cũng chậm triển khai so với điều kiện hiện có. Tuy nhiên, vị này cũng thông tin hiện tại Đà Nẵng đã định vị được cấu phần cho mảng này như hệ thống tham quan nghỉ dưỡng, hệ thống y tế, chuỗi sản phẩm... nên không khó để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rào cản nào với Đà Nẵng trong phát triển du lịch y tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO