Nhiều người hiểu sai về bản chất của khởi nghiệp, vì mong muốn kiếm thật nhiều tiền, mong muốn trở nên giàu có hoặc khởi nghiệp để mình thành giám đốc, làm chủ chứ không phải đi làm thuê.
Báo TG&VN có cuộc trao đổi với ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng giám đốc FPT về vấn đề này.
- Ông nghĩ gì về nghịch lý rất nhiều sinh viên thất nghiệp dù doanh nghiệp thiếu người trầm trọng, vẫn không tuyển được người như hiện nay?
Nghịch lý này thể hiện sự lệch pha giữa tiêu chuẩn tuyển chọn người lao động của các doanh nghiệp và sự chuẩn bị về nghề nghiệp của sinh viên, sâu xa là sai lầm về định hướng nghề nghiệp cũng như cách lựa chọn nghề nghiệp của phụ huynh và của chính sinh viên.
- Trước đây, tấm bằng đại học chính là lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, là tấm bùa hộ mệnh của người sở hữu. Nhưng hiện nay, việc vào đại học trở nên dễ dàng hơn, giá trị của tấm bằng giảm đi, sự cạnh tranh trên thị trường lao động của người có bằng đại học giảm đi. Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến thực trạng các bạn trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều cũng như lúng túng khi khởi nghiệp hay không?
Tôi cho rằng nguyên nhân không phải giá trị của tấm bằng đại học giảm đi mà do định hướng nghề nghiệp của thế hệ trẻ Việt Nam sai. Định hướng sai thì chọn ngành học sai, chọn sai thì chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm sai.
Ông trời đã ban cho mỗi một người có một năng lực, sở trường trong một hoặc vài lĩnh vực nhất định. Lẽ ra khi chọn nghề (chọn trường đại học, chọn ngành học), mỗi người cần phải tìm ra năng lực sở trường của mình. Có nghĩa, phải tìm ra lĩnh vực, ngành nghề mình đam mê nhất, có sở trường nhất, làm tốt nhất.
Bạn nào định hướng như vậy thì ngay từ khi còn là sinh viên đã yêu thích các môn học, đã biết cần chuẩn bị kiến thức gì, biết gắn kiến thức với thực tế thông qua các đợt thực tập. Và chắc chắn bạn sinh viên ấy sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí ngay từ năm cuối đại học.
Những bạn chọn ngành học, trường học theo lời khuyên của bố mẹ, thầy cô giáo, theo xu thế của xã hội, nếu chọn trái với sở trường của mình, khi học không có say mê, học không phải để chuẩn bị kiến thức làm việc sau này mà học vì điểm số, vì tấm bằng đại học thì rất dễ rơi vào nhóm thất nghiệp sau khi ra trường.
- Hiện nay không ít bạn trẻ dù có ý tưởng tốt, có tư duy từ “ao làng” sang tư duy “biển lớn” nhưng con đường khởi nghiệp khá chông chênh, chật vật, vì sao thưa ông?
Con đường khởi nghiệp chông chênh, chật vật cũng bởi họ hiểu sai về bản chất của khởi nghiệp. Rất nhiều người khởi nghiệp vì mong muốn kiếm thật nhiều tiền, mong muốn trở nên giàu có hoặc khởi nghiệp để mình trở thành giám đốc, làm ông chủ, không phải đi làm thuê.
Khởi nghiệp với mục đích như vậy khi gặp khó khăn rất dễ chán nản. Mà chắc chắn rằng, khởi nghiệp sẽ có rất nhiều khó khăn, trở ngại, bởi thực tế trên đời không có việc gì dễ dàng cả, kể cả đi làm công ăn lương cũng thế thôi.
Những người khởi nghiệp thành công có một điểm chung nhất là họ chỉ khởi nghiệp khi họ rất muốn, rất khát khao làm một việc gì đó. Nếu không khởi nghiệp, không lập công ty thì họ không thể thực hiện được khát khao đó, mong muốn đó, nếu ở tổ chức khác họ không thể thực hiện được.
Khởi nghiệp như vậy họ sẽ không sợ khó khăn nào, có khó khăn thì sẽ nỗ lực vượt qua.
'Rất nhiều người thất bại vì khởi nghiệp để làm ông chủ, làm giám đốc'
- Từ kinh nghiệm của bản thân, theo ông, để bạn trẻ khởi nghiệp thành công cần những tiêu chí nào?
Theo tôi, việc đầu tiên trong con đường sự nghiệp của các bạn trẻ là phải tìm ra năng lực, sở trường của mình từ rất sớm, tốt nhất là từ khi còn học phổ thông.
Sở trường chính là lĩnh vực mình có đam mê, mình yêu thích, mình học và làm quên cả thời gian, không thấy khổ, mình làm thấy dễ mà người khác thấy khó.
Tiếp theo là phải dồn hết nỗ lực, tâm huyết, thời gian cho lĩnh vực mà mình có sở trường.
Điểm quan trọng nữa là phải có tính thực tiễn. Học gì làm gì cũng phải định hướng đến hiệu quả, luôn luôn đặt câu hỏi việc này giải quyết vấn đề gì trong thực tiễn cuộc sống, nó mang lại lợi ích gì cho tổ chức, cho xã hội.
Nếu làm tốt 3 việc trên thì các việc sau này không còn khó nữa, hoặc có gặp khó khăn thì đều có thể tìm ra lời giải và đều có thể vượt qua.
- Trên thực tế, không ít kỹ sư, cử nhân trẻ không thể khởi nghiệp thành công do thiếu vốn, thiếu kỹ năng và gặp vô vàn khó khăn. Ông có lời khuyên nào cho họ?
Đúng là khởi nghiệp thì gặp vô vàn khó khăn, rào cản, nào là thiếu vốn, thiếu ý tưởng, thiếu kỹ năng, rồi cơ chế, chính sách.
Lời khuyên của tôi là các bạn trẻ cần tìm cho mình một hoặc vài mentor (người hướng dẫn), là những người đã khởi nghiệp thành công, càng gần với lĩnh vực của mình càng tốt. Các mentor là những người giúp mình ít mắc sai lầm nhất, đi đến đích nhanh nhất.
- Xin cảm ơn ông!