RCEP và cơ hội dành cho Việt Nam

ĐỖ HUYỀN 18/11/2020 10:59

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ hình thành một khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, chiếm khoảng 30% tổng GDP toàn cầu.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực nếu được thực thi là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực nếu được thực thi là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…

Cơ hội nữa là, với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Chính vậy, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, RCEP là ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Ông cho biết, trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, thì EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 và RCEP vừa được ký kết sẽ có tác động tích cực giúp hồi phục và phát triển kinh tế, đồng thời tạo ra một cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy tự do hóa.

Nhưng… không chỉ là màu hồng

Tuy nhiên, RCEP không chỉ là màu hồng. Bên cạnh những cơ hội, thách thức cho Việt Nam từ hiệp định RCEP không hề nhỏ.

Thứ nhất là sức ép cạnh tranh hàng hoá. Bộ Công Thương cho biết, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn.

Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng tương tự. Theo bà Thu Trang, khi thị trường nội địa cũng phải mở theo RCEP, các hàng hoá có cơ cấu sản phẩm tương tự sẽ tràn vào Việt Nam. Hàng Việt phải cạnh tranh trực diện với các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP, đặc biệt từ Trung Quốc.

Thứ hai, hàng hoá Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khiêm tốn.

Cùng với đó là áp lực cạnh tranh trực diện trong RCEP sẽ phức tạp hơn tại thị trường xuất khẩu và nội địa. Ví dụ ở Nhật Bản, trước RCEP, Trung Quốc chưa có FTA nào, trong khi Việt Nam có tới 3. Như vậy sau RCEP, hàng Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi ở Nhật Bản, do đó hàng hóa Việt Nam cũng sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt hơn ở thị trường nước này.

"Doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù được dự báo sẽ có lợi thế trong RCEP nhưng cũng phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống cạnh tranh mới", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Động thái TPP của ông Joe Biden khi Trung Quốc tham gia Hiệp định RCEP

    Động thái TPP của ông Joe Biden khi Trung Quốc tham gia Hiệp định RCEP

    06:02, 17/11/2020

  • RCEP giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

    RCEP giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

    13:30, 16/11/2020

  • Vai trò của RCEP trong quá trình tái thiết ASEAN

    Vai trò của RCEP trong quá trình tái thiết ASEAN

    07:00, 16/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
RCEP và cơ hội dành cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO