Doanh nghiệp

Robot và công nghệ thúc đẩy đổi mới ngành sản xuất

Hạnh Lê 09/07/2025 02:30

Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ việc đưa robot và công nghệ vào ngành sản xuất.

Ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Technology thông tin: nhà máy sản xuất điện tử của VNPT Technology đã đầu tư một số robot tự động lắp vỏ, bắt vít, khắc lazer, tự động kiểm tra tính năng của sản phẩm. Dự kiến năm nay và những năm tiếp theo đầu tư thêm robot tự động hoá. Đẩy mạnh tự động hoá, chuyển đổi số là giải pháp VNPT Technology khắc phục tình trạng thiếu công nhân lao động trên thị trường lao động, giảm phụ thuộc vào con người, nâng cao hiệu suất.

Nha may
Tự động hoá và ứng dụng AI vào quy trình sản xuất góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, VNPT Technology đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ AI, lắp đặt thiết bị internet vạn vật (IoT) trên hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất nhằm thu thập dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động của các dây chuyền, đưa ra dự báo, cảnh báo có thể xảy ra trong sản xuất. Ngoài ra, các loại cảm biến công nghiệp (sensor) giúp kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm. Việc tự động đánh giá ngoại quan sản phẩm, phỏng đoán nguyên nhân gây ra lỗi trong sản phẩm (do máy móc, nguyên liệu, thao tác của công nhân…) được thực hiện bằng camera ứng dụng AI.

Đặc biệt, theo ông Trần Đức Hòa, các thiết bị, nền tảng quản lý IoT Platform hay các tính năng AI đều do các kĩ sư của công ty đã và đang thực hiện. Kết quả này có được từ việc công ty đầu tư mạnh mẽ cho R&D để làm chủ công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng, là điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ từ trung tâm lắp ráp sang quốc gia sản xuất có chiều sâu. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức như chất lượng nguồn nhân lực, chính sách thương mại của một số đối tác.

Những tác động này làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đẩy nhanh tự động hoá và ứng dụng AI vào quy trình sản xuất là một trong những giải pháp chính để hoá giải thách thức trên.

robot.jpg
Robot đang được đưa vào quy trình sản xuất của các ngành như máy tính và điện tử, lắp ráp ô tô và thiết bị điện

Nhận định về cơ hội ứng dụng công nghệ trong ngành, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử cho rằng, đi lên từ con số 0, như tờ giấy trắng nên doanh nghiệp Việt Nam có thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ mới và không chịu cản trở của những yếu tố lịch sử để lại. Song, cũng bởi mới nên khó khăn với doanh nghiệp là thiếu hạ tầng AI, thiếu một hệ sinh thái hoàn thiện và nguồn nhân lực để tiếp nhận, làm chủ các công nghệ AI.

Ở góc độ khác, báo cáo mới nhất của WB nghiên cứu về robot, AI và nền tảng kỹ thuật số với tương lai việc làm đã chỉ rõ, tuy Việt Nam ứng dụng công nghệ tự động hóa muộn hơn so với một số nước có thu nhập cao trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhưng đang gia tăng mạnh mẽ việc ứng dụng robot, tập trung vào các ngành như máy tính và điện tử, lắp ráp ô tô và thiết bị điện.

Tác động đến thị trường lao động, kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng robot nhanh chóng đi kèm với mở rộng việc làm và thu nhập. Ví dụ, ở Việt Nam, mức tăng trưởng việc làm và thu nhập lao động trung bình lần lượt là khoảng 10% và 5%.

Ngoài ra, năng suất lao động đã tăng lên nhờ quy trình tự động hóa và quy mô sản xuất cao hơn. Đồng thời giúp tạo ra khoảng 2 triệu việc làm (chiếm 4,3% việc làm có tay nghề chính thức) cho người lao động có tay nghề tham gia vào các công việc chân tay hoặc trí não không rập khuôn. Lợi ích lao động có được các ảnh hưởng theo quy mô đặc biệt được quan sát thấy trong các ngành sản xuất hướng đến thương mại có giá trị gia tăng cao như máy tính, điện tử hoặc lắp ráp ô tô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Robot và công nghệ thúc đẩy đổi mới ngành sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO