Room ngoại cho Fintech nên ở mức nào?

Hà Anh 08/11/2019 05:00

Mặc dù NHNN đã có bước nới hơn khi đề xuất tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các Fintech là 49%, nhưng vấn đề này hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều.

f

NHNN đề xuất room ngoại cho Fintech là 49%

Room ngoại dự kiến cho Fintech

Tại Dự thảo Nghị định quy định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ đang được NHNN (cơ quan soạn thảo) lấy ý kiến đóng góp, cơ quan này đề xuất tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) là 49%.

Theo NHNN, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia. Do đó, để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động tài chính- ngân hàng, thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, do đây là loại hình hoạt động mới, đầy tiềm năng, nên việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết. Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình...

Tuy nhiên, như phát biểu của ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán NHNN tại Tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” diễn ra trung tuần tháng 8 tại Hà Nội thì không nên đánh đồng trung gian thanh toán với Fintech bởi trung gian thanh toán chỉ là một trong hàng chục lĩnh vực Fintech.

Liên quan tới vấn đề này, Dự thảo Nghị định cũng đã lường trước và quy định: “Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đa ngành, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại tổ chức cung ứng này không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề hoạt động của tổ chức này có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác”.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp có Nghị định về quản lý thử nghiệm Fintech

    Sắp có Nghị định về quản lý thử nghiệm Fintech

    16:30, 07/11/2019

  • Một hành lang pháp lý là mong mỏi của giới Fintech Việt

    Một hành lang pháp lý là mong mỏi của giới Fintech Việt

    15:51, 31/10/2019

  • "Giấc mộng" Fintech kỳ lân

    15:30, 18/09/2019

  • Doanh nghiệp Fintech “lọ mọ” tìm lối đi

    Doanh nghiệp Fintech “lọ mọ” tìm lối đi

    05:44, 24/08/2019

  • Việt Nam thiếu hành lang pháp lý cho Fintech

    Việt Nam thiếu hành lang pháp lý cho Fintech

    02:14, 21/08/2019

Hài hòa các mục tiêu

Như vậy, room ngoại đối với Fintech đã được nới hơn so với mức 30% như ý tưởng ban đầu. Thế nhưng, liệu nó đã đủ để thỏa mãn các nhà đầu tư nước ngoài?.

Còn nhớ tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) giữa kỳ diễn ra hồi tháng cuối 6 vừa qua, nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài đã phản ứng khá mạnh với việc khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Fintech. Theo ông Seck Yee Chung - Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành Fintech Việt Nam, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong ngành cần phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) từ các quốc gia đi trước.

“Việc áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và Fintech đang tăng trưởng nhanh sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực”, đại diện AmCham nói.

Cũng cho rằng việc hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty Fintech có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của Fintech tại Việt Nam, ông Frederick Burke - Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần bảo đảm rằng sẽ không có hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các công ty Fintech.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần phải siết chặt quản lý đối với Fintech, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do đây là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, có tính lan truyền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội.

Theo đó, bên cạnh việc khống chế về tỷ lệ góp vốn tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan chức năng còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đảm bảo không phát sinh việc rửa tiền, thanh toán chui, tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế hay mua bán hàng hóa bị cấm.

TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề trong việc lập chính sách Fintech hiện tại là tìm điểm cân bằng giữa kiểm soát rủi ro mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho đa số người dùng và tạo môi trường cho doanh nghiệp Fintech phát triển.

Điều đó cũng có nghĩa, việc khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các Fintech là cần thiết, vấn đề là ở mức nào để không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Xem ra, trong bối cảnh hiện nay, rất cần một cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động của Fintech.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Room ngoại cho Fintech nên ở mức nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO