Việt Nam thiếu hành lang pháp lý cho Fintech

Nguyễn Long 21/08/2019 02:14

Hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, tuy nhiên theo ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán NHNN, Việt Nam chưa có quy chế quản lý.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng.

Fintech vẫn hoạt động nhưng chưa có một hành lang pháp lý cụ thể.

Fintech vẫn hoạt động nhưng chưa có một hành lang pháp lý cụ thể.

Tại tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech" được tổ chức tại Hà Nội, ông Ngô Văn Đức cho biết vài năm vừa qua, hoạt động fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

Hiện nay, theo thống kê không chính thức của NHNN, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được NHNN cấp phép.

Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…

Trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua mobile banking tăng trưởng 160%.  Đây là con số rất ấn tượng vì các nước trong khu vực chỉ ở mức 60 – 80%. (Thái Lan ở mức 80%). “Nó thể hiện được tỉ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động tại Việt Nam rất cao. Đấy là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp Fintech phát triển bên cạnh độ phủ sóng của các doanh nghiệp Fintech và các dịch vụ ngân hàng đang được số hóa từng bước” – đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho biết.

Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng.

“Có thể nói, đến nay khuôn khổ pháp lý đối với fintech, đặc biệt là quy định về quy chế quản lý chưa có, cũng chưa có luật, nghị định quy định nào chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý hoặc ngân hàng nhà nước” – ông Ngô Văn Đức cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Nới room ngoại cho Fintech

    11:32, 06/07/2019

  • BRG, VNPT, Sumitomo và SeaBank hợp tác phát triển Fintech và thành phố thông minh

    17:13, 01/07/2019

  • Hiện trạng nguồn nhân lực Fintech và yêu cầu 3 trong 1

    05:04, 21/06/2019

  • Chuyên gia đề xuất giải pháp cho hoạt động Fintech

    17:15, 20/06/2019

  • Fintech "kẻ đào huyệt" cho mô hình ngân hàng truyền thống

    11:01, 10/06/2019

Nhận thức được tầm quan trọng của fintech và đổi mới sáng tạo của hoạt động ngân hàng cũng như lợi ích thiết thực mà fintech mang lại cho xã hội và tài chính ngân hàng, từ năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định thành lập ban chỉ đạo Fintech của NHNN. Nhiệm vụ chính của ban chỉ đạo là tham mưu cho thống đốc để có giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, quan trọng nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển doanh nghiệp Fintech.

Theo ông Đức, trong tháng 5/2019, ban chỉ đạo Fintech đã hoàn thiện đề án về cơ chế quản lý hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và trình chính phủ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thành lập cơ chế pháp lý cho hoạt động Fintech. Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng phối hợp bộ ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông để hoàn thiện thêm đề án và trình trong thời gian sớm nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thanh toán điện tử của Singapore, ông Varun Mittal - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, Giám đốc Phụ trách tư vấn dịch vụ Fintech Công ty E&Y Khu vực Đông Nam Á cho biết: Cơ chế quản lý ở Singapore phân loại theo các hoạt động như cấp tài khoản, chuyển tiền trong nước, ngoài nước, phát hành tiền điện tử, tiền ảo (không phải bitcoin). Singapore đã phân làm 4 cấp độ khác nhau tương đương 4 phần khung quy định  về tuân thủ pháp lý và đánh giá về rủi ro công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng, tương tác liên thông.

“Singapore đã hơn 1 năm để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, để đạt được kết quả đó họ đã phải làm đi làm lại nhiều lần, kết quả là khi doanh nghiệp làm trong lĩnh vực gì chỉ cần tra cứu sẽ biết những luật nào đang áp dụng và quản lý như thế nào” - ông Varun Mittal cho biết.

Giống như các quốc gia khác, Singapore cũng quan ngại những vấn đề như khách hàng mất tiền, rủi ro công nghệ, nạn rửa tiền, sự manh mún. “Đây là quan ngại chung của các nhà quản lý, tạo ra cơ cấu để giải quyết nhu cầu như vậy” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cho biết.

Bày tỏ lạc quan trước sự phát triển của các dịch vụ Fintech tại Việt Nam, ông Varun Mittal cho rằng với tốc độ tăng trưởng cao với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có hệ thống thanh toán mạnh nhất ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam thiếu hành lang pháp lý cho Fintech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO