Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghệ blockchain, fintech, tài sản số, theo chuyên gia, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này là cần thiết.
Theo báo cáo gần đây, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo (hơn 26 triệu người). Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong tốp 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này còn "mong manh" đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện các quy định bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhấn mạnh, công nghệ, blockchain, AI, game... đã đi vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình Việt Nam. Thông tin từ Forbes cho biết, người Việt Nam đứng hai thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Các sàn giao dịch cũng thừa nhận giá trị giao dịch tài sản số của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới. Việt Nam có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới - đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn chưa có khung pháp lý cho tài sản số.
“Thiếu khung pháp lý về tài sản số sẽ không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch, đồng thời gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan. Bên cạnh đó, cơ hội đang dần mất đi khi những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn”, ông Hưng bày tỏ.
Do đó, ông Nguyễn Duy Hưng kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo - điều cốt lõi của tài sản số. Đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
"Nhiều quốc gia đã coi tài sản số là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính. Chúng ta cần phải quản lý để thu thuế, để giữ về mình và để con em chúng ta có đất phát triển", ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh dạn đưa khái niệm “tài sản số” vào Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số lần này. Đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy sự chủ động trong việc bắt kịp xu hướng quốc tế và những thay đổi mang tính đột phá trong nền kinh tế số. Dự thảo đã được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia cho rằng, Ban soạn thảo cần chú trọng xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để vừa bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cũng vừa là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính phân tích, trong thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới. Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, chúng ta cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số.
“Nếu thừa nhận và quản lý tài sản số như tài sản thì đòi hỏi không chỉ sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan. Phía Bộ Tài chính, trường hợp Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, trong đó chúng ta đã đưa ra được định nghĩa về tài sản số cũng như các nội dung có liên quan, thì trong phạm vi và chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế”, ông Tuấn chia sẻ.