24h

Đánh thuế tài sản số, tiền số thế nào?

Khôi Nguyên 27/08/2024 03:30

Chuyên gia cho rằng, các quy định về thuế đối với tài sản số cần xem xét thận trọng, bảo đảm chống thất thu, song cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển…

danh-thue-tai-san-so-tien-so-the-nao-1.jpeg
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, vấn đề về tài sản số đã được đề cập, nhằm tạo khung khổ pháp lý cho một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ.

Việc xây dựng khung pháp lý là một trong những hành động nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của tài sản số, tiền số, đòi hỏi về khung pháp lý đang rất cấp thiết. Dù chưa được công nhận song trên thực tế, việc sở hữu, giao dịch các loại tài sản số, tiền số diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam.

Báo cáo gần đây của CryptoCrunchApp cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền số trên thế giới (sau Ấn Độ và Mỹ). Còn theo thông tin từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, năm 2022, dòng tài sản số vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỉ USD. Con số này đạt khoảng 120 tỉ USD vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì xây dựng và lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số. Điều 8 của dự thảo luật định nghĩa: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan".

Không chỉ bao gồm bitcoin và tiền ảo, tài sản số có phạm vi rộng hơn rất nhiều, bao gồm tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính...

Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

danh-thue-tai-san-so-tien-so-the-nao-3.png
Chuyên gia cho rằng, các quy định về thuế đối với tài sản số cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, triển khai từng bước dựa trên thực tiễn. Ảnh minh hoạ

Bình luận về nội dung này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định khi chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế, dẫn đến thất thu trong những năm qua. Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, đây là xu thế không thể đảo ngược khi công nghệ ngày càng phát triển.

“Nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để một mặt bảo đảm công tác quản lý nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng tình khi nói về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điểm cốt lõi trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số là lần đầu tiên đưa ra quy định về tài sản số. Trên thực tiễn, tài sản số, tiền ảo đã phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.

Lý giải về sự cần thiết của việc ban hành khuôn khổ pháp lý đối với tài sản số hay tiền ảo, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, vì chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam, như Tập đoàn Sky Mavis, một tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, là doanh nghiệp thuần Việt Nam nhưng do Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số rất lớn, nên cuối cùng doanh nghiệp chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay có những giao dịch liên quan đến tài sản số. Về nguyên tắc, các giao dịch ấy cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Chúng ta có thuế giá trị gia tăng (VAT), đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn.

Tuy nhiên, cái khó không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì. Ở các nước tiếp cận khác nhau, có nước coi là chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp. Do đó, tại Việt Nam trước tiên phải ghi nhận tài sản số. Tiếp sau đó định hình, phân loại… từng bước một.

“Trong trường hợp tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số, hay nói cách khác chúng ta thừa nhận tài sản số như một loại tài sản thì chúng ta hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế của chúng ta. Tương tự Việt Nam có Luật Thuế giá trị gia tăng VAT để chúng ta điều tiết, giao dịch các tài sản” - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Cũng nhận định từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, tài sản số khi được quy định trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ là cơ sở để hoàn thiện các chính sách khác, trong đó có thuế.

“Các quy định về thuế đối với tài sản số cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, triển khai từng bước dựa trên thực tiễn. Việc quản lý thuế bảo đảm công tác quản lý nhà nước, chống thất thu, song cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển khi tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn”, ông Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đánh thuế tài sản số, tiền số thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO