Nghiên cứu - Trao đổi

Tài sản số được công nhận, nhưng vẫn là “đứa trẻ không hộ khẩu”?

Gia Linh 01/07/2025 11:05

Luật CNCNS đã công nhận tài sản số, nhưng thiếu định danh, chưa có hành lang thuế và chuyển nhượng, khiến tài sản số vẫn “không có hộ khẩu pháp lý”…

Ngày 28/6/2024, Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) chính thức được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên đưa khái niệm “tài sản số” vào luật. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, ghi nhận sự tồn tại hợp pháp của một loại tài sản vốn bị gắn với hình ảnh mờ ám, rủi ro và khó quản lý.

Luật đã có, nhưng định danh và thực thi vẫn là khoảng trống lớn

Dù đã có luật, nhưng tài sản số vẫn đứng bên lề pháp lý do thiếu định danh cụ thể, thiếu hướng dẫn thực thi và đặc biệt là chưa có “hộ khẩu” để xác lập quyền sở hữu, chuyển nhượng, hay bảo vệ hợp pháp.

tai-san-so-duoc-cong-nhan-nhung-van-la-dua-tre-khong-ho-khau-1.jpg
Luật CNCNS đã công nhận tài sản số, nhưng thiếu định danh, chưa có hành lang thuế và chuyển nhượng, khiến tài sản số vẫn “không có hộ khẩu pháp lý”. Ảnh minh hoạ

“Chúng ta thừa nhận sự tồn tại của một loại tài sản, nhưng không xác lập cơ sở pháp lý để sở hữu, không có hệ thống lưu ký, không cho giao dịch, cũng không có chuẩn thuế khóa… đó chính là hình hài của một đứa trẻ bị khai sinh nhưng không được nhập hộ khẩu”, ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam – nhận định.

Theo ông Trung, Luật CNCNS mới chỉ dừng ở việc khẳng định tài sản số là hợp pháp, nhưng chưa nêu rõ các yếu tố cấu thành loại tài sản này là gì, gồm những dạng nào (token, NFT, đồng ổn định, tài sản trong game, tài sản phi tập trung…) và mục đích sử dụng (đầu tư, thanh toán, sử dụng trong hệ sinh thái dịch vụ số…).

Khoảng trống này đang khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ không dám triển khai sản phẩm tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân cũng không thể kê khai hợp pháp tài sản số đang nắm giữ.

Giao dịch, định giá, thuế khóa… vẫn là “vùng xám” pháp lý

Tài sản số là một khái niệm rộng, bao trùm nhiều dạng tài sản mới nổi trên nền tảng blockchain như token, NFT, tài sản số hóa (digitalized assets), dữ liệu có giá trị giao dịch… Tuy nhiên, việc công nhận mới chỉ là khởi đầu. Điều mà thị trường mong chờ hơn là cơ chế giao dịch, chuyển nhượng, cấp phép sàn giao dịch, hệ thống lưu ký tài sản, chuẩn mực định giá và khung thuế khóa thì vẫn chưa có.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, việc pháp luật công nhận tài sản số nhưng chưa có hành lang cụ thể để xác lập quyền sở hữu, chuyển nhượng và bảo vệ tài sản là “bước tiến nửa vời”. Ông Biên nhấn mạnh: “Suy cho cùng, một loại tài sản chỉ có ý nghĩa khi chủ thể có thể xác lập quyền sở hữu, được phép định đoạt và được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra tranh chấp. Hiện nay, tài sản số tại Việt Nam vẫn chưa đạt được điều đó”.

Về thuế, theo quy định hiện hành, cá nhân giao dịch tài sản số bị đánh thuế 0,1% trên tổng giá trị giao dịch, bất kể lãi hay lỗ. Cách tiếp cận này, theo ông Biên, là không phù hợp với bản chất tài sản có tính rủi ro cao như token hoặc NFT: “Không thể áp dụng cùng một tư duy thuế cho tài sản số như cổ phiếu hay bất động sản. Việc đánh thuế cào bằng trên giá trị giao dịch, trong khi không cho phép khấu trừ lỗ, sẽ đẩy nhà đầu tư ra thị trường chợ đen, dùng ví phi tập trung và không kê khai gì cả”.

Không chỉ vậy, việc thiếu hướng dẫn định giá tài sản số cũng khiến hệ thống pháp luật không thể xử lý các tình huống tranh chấp dân sự, bồi thường thiệt hại, hoặc xử lý tài sản số trong các vụ án hình sự, phá sản, hay chia tài sản hôn nhân.

Một hệ quả khác cũng không thể xem nhẹ: Nếu tài sản số được công nhận là hợp pháp, nhưng không được giám sát giao dịch thì lại trở thành công cụ lý tưởng cho rửa tiền, gian lận thuế và tài trợ khủng bố.

Việt Nam đã có bước đi can đảm khi chính thức công nhận tài sản số trong Luật CNCNS, điều mà không phải quốc gia nào cũng dám làm sớm. Tuy nhiên, công nhận mà không có khung quản lý rõ ràng chỉ khiến thị trường rơi vào trạng thái “nửa tỉnh nửa mê” khi vừa được bật đèn xanh, nhưng lại không biết đi theo lối nào.

Một “đứa trẻ” không thể trưởng thành chỉ với một tờ khai sinh. Tài sản số cũng vậy. Nếu không có hộ khẩu pháp lý đầy đủ – từ giao dịch, sở hữu, định giá đến thuế và bảo vệ quyền lợi thì dù được công nhận, tài sản số tại Việt Nam vẫn chỉ là một thực thể… chưa có chỗ đứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tài sản số được công nhận, nhưng vẫn là “đứa trẻ không hộ khẩu”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO