“Việc thí điểm giao dịch tài sản số trong khuôn khổ Sandbox có thể khai thác lợi ích của tài chính số, nhưng phải giám sát và có kế hoạch dự phòng cho những rủi ro phát sinh…”.
Đây là quan điểm của TS Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT) xung quanh vấn đề xây dựng khung pháp lý cho tài sản số đang được dư luận hết sức quan tâm.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước bối cảnh một số quốc gia có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số và tiến hành thử nghiệm công nghệ, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số linh hoạt, vừa không được để Việt Nam tụt hậu, chủ động nắm bắt cơ hội, vừa không tạo kẽ hở hoặc rào cản với các hình thái tài chính mới.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Chỉ thị số 05 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Tại một phần nội dung tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.
Có thể thấy, vấn đề xây dựng khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số là nội dung được đông đảo dư luận và Chính phủ hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Chia sẻ về nội dung này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tiền kỹ thuật số đã có từ lâu, được các nước công nhận. Với xu thế trên thế giới như vậy thì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Đây cũng là kênh đầu tư, đầu cơ khiến nhiều người tham gia có thể kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý sự biến động khá mạnh của các đồng tiền số đã tạo nhiều rủi ro cho người tham gia. “Một đồng Bitcoin hiện nay có giá khoảng 92.000 USD, tương đương hơn 2,3 tỉ đồng. Giá của nó khá cao nên khi biến động thì tăng giảm vài ngàn USD diễn ra chỉ trong vài giờ. Còn các đồng tiền pháp định khác như USD, yen, VND… được các quốc gia bảo vệ giá trị của đồng tiền nên tính ổn định cao hơn. Khi các đồng tiền số tăng giảm theo cung - cầu nên trong trường hợp xảy ra chuyện gì thì độ rủi ro sẽ rất cao, người đang nắm giữ có thể mất toàn bộ. Từ đó có tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Chính vì vậy Chính phủ cần cẩn trọng khi cho phép giao dịch tiền số”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm về nội dung này, chia sẻ trên tờ Thanh niên, TS Phạm Nguyễn Anh Huy (ĐH RMIT) cũng cho rằng, việc thí điểm giao dịch tiền mã hóa trong khuôn khổ Sandbox tương lai gần có thể mang lại những hiểu biết quý giá và giúp Việt Nam khai thác lợi ích của tài chính số, với điều kiện là việc thí điểm phải được giám sát cẩn thận và có kế hoạch dự phòng rõ ràng cho những rủi ro phát sinh không lường trước.
Quan trọng là cần xây dựng lộ trình triển khai phù hợp để kiểm soát rủi ro khi thí điểm. Trước tiên, Chính phủ cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và quy định rõ ràng. Tiếp theo, có thể tạo ra môi trường Sandbox nơi các công ty fintech có thể thử nghiệm sản phẩm liên quan đến tiền mã hóa dưới sự giám sát chặt chẽ. Một bộ tiêu chí tham gia cũng cần được xây dựng bao gồm các khoảng thời gian được xác định trước cho giai đoạn thử nghiệm (ví dụ 6 - 24 tháng) với tiêu chí rõ ràng cho quyết định kết thúc hoặc mở rộng thử nghiệm. Các cơ chế giám sát cũng phải được áp dụng để đảm bảo thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực nhằm đánh giá hiệu suất, tác động đến người tiêu dùng và rủi ro hệ thống tiềm ẩn.
Ví dụ, Chính phủ có thể cho phép một hoặc hai sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung hàng đầu hoạt động tại các trung tâm tài chính. Các sàn giao dịch này phải tuân thủ quy định nêu trên và cung cấp thông tin cần thiết cho mục đích đánh giá và quản lý, như thông tin về các giao dịch có giá trị hơn 5.000 USD và thông tin cho việc tính thuế.
“Chính phủ cũng cần xây dựng các chiến lược đánh giá và quản lý rủi ro. Các cơ quan quản lý có thể đưa ra một số biện pháp giảm thiểu rủi ro như giới hạn giao dịch và hạn chế về mặt địa lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống. Đồng thời, có thể thành lập một nhóm quản lý khủng hoảng tiền mã hóa để xây dựng các chiến lược dự phòng nhằm ứng phó nhanh trong trường hợp có những sự kiện phát sinh bất lợi”, vị chuyên gia góp ý.
Cũng đồng tình về quan điểm này, phân tích trên tờ Lao động, ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, Việt Nam nên tiếp cận theo hướng thận trọng, triển khai thử nghiệm trước khi chính thức công nhận và chuẩn hóa tài sản số nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo tính ổn định cho thị trường.
Theo ông Huy, thị trường tiền mã hóa có những biến động rất lớn. Điển hình như khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký văn bản công nhận một số đồng tiền số, giá Bitcoin đã tăng mạnh, nhưng chỉ sau một đêm giá giảm rất sâu, gây ra những rủi ro khó lường.
“Chính vì vậy, Việt Nam cần tiến hành thử nghiệm thực tế, đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng trên quy mô toàn quốc. Đồng thời, khung pháp lý cần được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế, vừa đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu, vừa giảm thiểu nguy cơ pháp lý trong quá trình hội nhập”, ông Huy đề xuất.