1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được đưa vào cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để khơi thông nguồn vốn.
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đơn vị này đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Với nguồn vốn này đơn vị ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II/2021, điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.
Mặc dù đánh giá việc nguồn vốn ngân sách được cấp về như tiếp thêm lửa, thêm động lực để nhà đầu tư và các nhà thầu cùng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng tốc đưa dự án về đích thông tuyến vào tháng 12/2020. Thế nhưng, theo ông Lưu Xuân Thủy, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng vào 30/4/2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay tín dụng từ các ngân hàng.
BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được khởi công vào 2015 và dự kiến hoàn thiện vào 2018. Tuy nhiên, do vấn đề giải phóng mặt bằng và vốn ngân sách giải ngân chậm nên dự án bị chậm tiến độ. Hiện nay, các ngân hàng thương mại tham gia hợp vốn đã hoàn thành báo cáo thẩm định chung. Các ngân hàng đang trình Hội đồng quản trị của từng đơn vị để phê duyệt tài trợ tín dụng cho dự án.
Trường hợp quan điểm hợp vốn của các Ngân hàng tài trợ vướng mắc kéo dài, các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với các Ngân hàng thương mại không được thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất không sử dụng vốn vay tín dụng cho dự án, để ưu tiên khoản vay tín dụng đang rất hạn hẹp cho các Dự án cấp thiết khác, tránh việc các Ngân hàng lo lắng về dư nợ tín dụng BOT, gây rủi ro cho Ngân hàng.
Thời gian qua, khi nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về cho dự án, nhưng bằng năng lực của nhà đầu tư và các nhà thầu, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có trên 50 cây cầu đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng so với 1 thập kỷ trước đó chỉ đạt 10%.
Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang hôm 22/11 cho biết về tình hình giải phóng mặt bằng của dự án thì tổng mức đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng theo Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh tạm tính là 1.776 tỷ đồng. Đến nay tỉnh đã hoàn tất công tác bàn giao mặt bằng sạch trên các tuyến chính.
Về tình hình triển khai thi công ngoài hiện trường, đã tổ chức triển khai thi công 21/21 gói thầu xây lắp, lũy kế khối lượng thi công đạt khoảng 1.666 tỷ đồng (khoảng 27% toàn dự án).
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài toàn tuyến là 51,1km, với với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, dự án triển khai sau 10 năm vẫn chưa hoàn thành bởi gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Tập đoàn Đèo Cả đã được đồng ý tham gia “giải cứu” dự án. Chính phủ cũng đã đồng ý cấp 2.198 tỷ đồng vốn ngân sách hỗ trợ dự án. |