Nhà thầu tham gia phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án...
Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện Ban QLDA Thăng Long - đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tổng công ty Cửu Long - đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và lựa chọn các nhà thầu tư vấn, giám sát và xây lắp cho 2 công trình đặc biệt này.
Ông Nguyễn Duy Lâm – Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chấp lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết đây là 02 dự án vừa thi công, vừa khai thác các Cảng hàng không.
"Về tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp phải đảm có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công 2 dự án này theo những quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự. Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020”, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Cụ thể, đối với nhà thầu xây lắp, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, nhà thầu tham gia thực hiện dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng hạng I theo quy định Nghị định 100/2018.
Về kinh nghiệm thực hiện gói thầu tương tự của nhà thầu tham gia thi công đường cất, hạ cánh, tiêu chí được Cục đưa ra là phải đảm bảo đã thực hiện và hoàn thành tối thiểu một hợp đồng xây dựng công trình sân bay cấp đặc biệt hoặc 2 công trình sân bay cấp I (thi công hệ thống đường cất hạ cánh hoặc đường lăn hoặc sân đỗ máy bay), với giá trị của hợp đồng tương tự lớn hơn 50% giá trị gói thầu đang xét. Ngoài các tiêu chí trên, để được giao thầu, nhà thầu xây lắp phải đáp ứng các điều kiện khác về nhân sự, máy móc, thiết bị và tài chính...
Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Chính phủ, xác định 2 dự án này là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp. Tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.
Theo Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), nếu tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp 2 dự án theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định..., tương tự như các dự án đầu tư công thông thường thì chỉ có thể khởi công vào cuối tháng 12/2020. Nếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì rút ngắn được khoảng 2 tháng và dự kiến khởi công cuối tháng 10/2020. Đối với trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) sẽ giúp Bộ GTVT khởi công 2 dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6/2020.
Mặc dù Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long (là 2 đơn vị đại diện cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư) chưa công bố số lượng và danh tính các nhà thầu xây lắp “ứng tuyển” hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bàivà Tân Sơn nhất, nhưng do tính chất rất đặc thù và yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, an toàn bay… nên tại Việt Nam, số lượng các nhà thầu có thể đảm nhận việc thi công cải tạo, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không nhiều. Ngoài Tổng công ty Xây dựng hàng không – ACC; Tổng công ty Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), cũng chỉ có 1 vài nhà thầu dân sự khác như: Đèo Cả, Cienco4, Cienco6...
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không lớn nhất của cả nước, là 2/4 cảng hàng không cửa ngõ quốc tế hiện nay của Việt Nam. Năm 2019 đã phục vụ 70,5 triệu lượt hành khách/ tổng số 116,5 triệu lượt hành khách 22 cảng hàng không của cả nước, chiếm 60,5% tổng sản lượng hành khách.
Đây là 2 cảng hàng không có vai trò rất quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế, phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.
Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 CHKQT này.
Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại 02 sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động Hàng không.
Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Tân Sơn Nhất. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.
Có thể bạn quan tâm
15:07, 19/05/2020
14:00, 19/05/2020
00:21, 24/03/2020
00:00, 26/03/2020