Mặc dù giá vàng đã có tín hiệu phục hồi đầu tuần này, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh giảm nếu Tổng thống Mỹ không tăng thuế nhập khẩu vào ngày 10/5 tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.280USD/oz, giá vàng đã giảm nhẹ xuống 1.276USD/oz, nhưng sau đó tăng vọt lên mức 1.289USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng chịu tác động trực tiếp từ giá vàng quốc tế khi giảm nhẹ xuống mức 36,20- 36,30 triệu đồng/lượng sau khi mở cửa ở mức 36,20- 36,37 triệu đồng/lượng, sau đó lại tăng lên mức 36,25- 36,45 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng bật tăng vào những phiên giao dịch đầu tuần này là do Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/5 tới, và áp thêm mức thuế này đối với cả 325 tỷ USD các loại hàng hóa khác của Trung Quốc. Động thái này của Trump đã khiến USD sụt giảm, chứng khoán toàn cầu chìm trong “biển lửa”, đẩy dòng vốn đầu tư chảy sang thị trường vàng.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 05/05/2019
06:01, 02/05/2019
05:01, 25/04/2019
05:01, 18/04/2019
05:01, 04/04/2019
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố nói trên của Trump có thể chỉ là “đòn gió” nhằm ép Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ trong vòng đàm phán sắp tới. Bởi nếu tăng thuế, sẽ khiến người tiêu dùng “lãnh đủ” khi hiện nay có tới khoảng 40% hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ vẫn chưa bị đánh thuế. Điều này sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng gia tăng, khiến áp lực lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ vốn đang có dấu hiệu bất ổn khi tác động từ gói kích thích tài khóa đang mờ nhạt dần.
Còn nhớ năm 2018, doanh nghiệp và người dân Mỹ đã bị thiệt hại ước tính khoảng 4,4 tỷ USD vì giá hàng hóa tăng do chính sách bảo hộ thuế quan của chính quyền Trump. Bởi vậy, việc tiếp tục tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ phải được chính quyền Trump cân nhắc kỹ vì điều này ảnh hưởng tới khoảng hơn 3 triệu cử tri nông dân trung thành với đảng Cộng hòa, nhất là khi cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang ngày càng gay gắt. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng Trump sẽ tăng thuế, nếu Trung Quốc không chịu nhượng bộ theo yêu cầu của Mỹ.
Được biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ vào ngày 9/5 để đàm phán thương mại với Mỹ. Nếu vòng đàm phán này đạt kết quả, giúp Trung Quốc tránh được mối họa thuế quan, thì sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.
Ông Jeffrey Halley, Chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn OANDA cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, dòng vốn đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang trái phiếu chính phủ của những quốc gia có xếp hạng tín nhiệm cao trên thị trường tài chính quốc tế và đồng Yên (JPY) hơn là vàng. Bởi vậy, nếu Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại thành công, thì giá vàng sẽ nhanh chóng giảm xuống mức 1.260USD/oz.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu vàng tại Ấn Độ khi quốc gia này đang bước vào mùa lễ hội Akshaya Tritiya. Theo ước tính, tổng lượng vàng tiêu thụ trong mùa lễ hội này khoảng 40- 50 tấn.
“Lượng vàng tiêu thụ trong mùa lễ hội Akshaya Tritiya của Ấn Độ năm nay sẽ tăng khoảng 10- 15% so với năm ngoái”, ông Anantha Padmanabhan, Chủ tịch Liên hiệp Vàng bạc đá quý Ấn Độ nhận định.
Ngoài ra, nếu chỉ số CPI tháng 4 của Mỹ được công bố cuối tuần này thấp hơn nhiều so với dự kiến và kỳ trước, sẽ khiến FED phải cân nhắc về việc cắt giảm lãi suất cơ bản- điều mà Trump đã nhiều lần yêu cầu FED thực hiện trong thời gian qua. Nếu điều này xảy ra, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn tiềm ẩn rủi ro tiếp tục điều chỉnh khi đà tăng hiện nay chưa thực sự bền vững.
Theo phân tích kỹ thuật, nếu vượt qua mức 1.294USD/oz, giá vàng có thể lên 1.298USD/oz. Nếu không vượt qua mức này, giá vàng có nguy cơ giảm trở lại vùng 1.260USD/oz, kế tiếp là 1.244- 1.255USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể lên 1.317- 1.325USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng khó trụ vững trên 1.300USD/oz trong ngắn hạn.