Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và bất động sản khởi sắc trong tuần qua đã đưa "sắc tím yêu thương" của nhà đầu tư trở lại.
>>>Nóng hổi quy định tại Dự thảo về nới room ngoại của ngân hàng
Có thể nói là thị trường chứng khoán đã có một tuần "hẹn đẹp như mơ" khi VN-Index chốt phiên cuối tuần sau chặng tích lũy, lấy lại cột mốc 1.080. Ngân hàng và Bất động sản là những nhóm ngành khởi sắc đẹp với hàng loạt mã liên tục "khởi nghĩa" vượt qua các mốc đáy của đáy, rồi vượt hẳn đáy.
Trong các nhóm ngân hàng dẫn đầu, nhìn trong suốt 15 phiên giao dịch gần nhất, STB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lẽ là một trong những mã cổ phiếu thu hút sự chú ý. Đó không chỉ là sự chú ý bởi giao dịch miệt mài của khối nhà đầu tư ngoại, còn là chuỗi tăng điểm ngoạn mục của mã này, với chỉ có 4/ 15 phiên đỏ sàn, còn tất cả là xanh lá và đặc biệt chốt phiên cuối tuần này, gần như "mở bát" tháng 12 (2/12), tím trần khi +1,35 điểm tương đương 6,92%, đưa STB thẳng tiến từ 15.85 của phiên giao dịch 14/11, lên 20.850 đồng/cp.
Cũng trong 15 phiên vừa qua, khối ngoại giao dịch STB liên tục với chỉ có 3 phiên giảm khối lượng và giá trị giao dịch ròng. Riêng phiên cuối tuần 2/12, khối ngoại đã có khối lượng giao dịch ròng STB tới 135.068.500 cổ phiếu, trong đó giá trị mua ròng là 283,37 tỷ đồng và bán ròng chỉ 1,76 tỷ đồng. Room nhà đầu tư nước ngoài tại STB hiện chỉ còn 4,46%.
Sở dĩ STB được nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với khối lượng giao dịch lớn trong thời gian vừa qua, là bởi sau giai đoạn cổ phiếu STB "lên đỉnh" gần nhất 1 năm qua, ở mốc 36.7 hồi đầu năm, thì cùng với đà suy thoái của thị trường chứng khoán sau đó, STB đã trở thành một trong những cổ phiếu ngân hàng rớt giá mạnh nhất.
Tuy nhiên, ngoài việc rớt giá mạnh đưa cổ phiếu về vùng hấp dẫn, STB dù có ROA và ROE vẫn còn cao ngành, còn được đặt kỳ vọng cao trên nền tảng và bởi kết quả kinh doanh Sacombank hiện tại, lẫn triển vọng tương lai.
Trong đó, đáng chú ý là sau đợt "gây sốc" với nhà đầu tư và khách hàng trên thị trường khi là một trong hai ngân hàng đã lên tiếng tạm đình giải ngân cho vay bất động sản ngay sau vụ việc của FLC diễn ra hồi quý I đầu năm, thì đến nay, Sacombank đã có những kỳ công bố kết quả kinh doanh tích cực.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất (BCTCHN) vừa công bố, Sacombank ghi lãi trước thuế quý III /2022 tăng 86% so với cùng kỳ năm trước, thu được hơn 1.532 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng cả nguồn thu chính và ngoài lãi. Nợ xấu tại thời điểm cuối quý III giảm đến 34% so với đầu năm.
Trong quý III, tất cả hoạt động kinh của Sacombank đều tăng trưởng hơn cùng kỳ. Hoạt động chính tăng đến 74%, thu được gần 5.762 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi cũng khả quan như lãi từ dịch vụ tăng 75% (1.031 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 46% (220 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác tăng 5% (41 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.957 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Sacombank cũng dành ra 2.425 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhưng nhờ thu nhập lãi thuần lẫn lãi dịch vụ đạt cao, nhờ đó vẫn thu lãi trước thuế cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Sacombank thu được hơn 9.990 tỷ đồng lợi nhuận thuần. Sau trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với mức gấp 2,3 lần cùng kỳ (5.550 tỷ đồng), được cho là mức cần thiết và phù hợp với diễn biến thị trường theo quy định trích lập các khoản nợ hỗ trợ cơ cấu lại do Covid-19 trong 2 năm qua, cùng với phát sinh trên dư nợ mới, Sacombank vẫn đạt lãi trước thuế 4.440 tỷ đồng, tăng 37%. Như vậy, so với kế hoạch 5.280 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Sacombank đã thực hiện được 84% sau 9 tháng và hoàn toàn có khả năng đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Một điểm đặc biệt về Sacombank đã được nhà đầu tư nhắc đến khá nhiều và vào dịp này, thông tin được trở lại, là Sacombank đã sắp về đích đề án tái cơ cấu. Theo đó, khi đề án tái cơ cấu hoàn tất sau 5 năm, cổ đông của Sacombank hoàn toàn có thể kỳ vọng được chia cổ tức. Ngoài ra, các nhà đầu tư sở hữu STB và đang muốn gom mua, cũng chờ đợi một sự đột phá của ngân hàng với kế hoạch bán cổ phần cho khối ngoại ở mức room, theo một cơ chế đặc biệt hoàn toàn trong quy định nếu Sacombank được cơ quan chức năng phê duyệt và cũng như, "lọt mắt xanh" đối tác ngoại.
>>>Cổ phiếu ngân hàng liệu đã tạo đáy?
Trong báo cáo cập nhật về Sacombank của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Bộ phân phân tích công ty này cho biết Sacombank đặt mục tiêu có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC ngay trong 2023 thông qua hai phương án.
Đó là bán đấu giá 32,5% cổ phần đang được VAMC quản lý, với mức giá bán phải từ 32.000 - 34.000 đồng/cp theo ban lãnh đạo ngân hàng, mới có thể xử lý toàn bộ VAMC. Lưu ý đây là ở mức giá có khoảng kỳ vọng rất xa và gần sát đỉnh 1 năm của STB, so với thị giá đã được đẩy lên phiên ở hiện tại.
Theo thông tin KBSV, số cổ phần đấu giá nói trên (thuộc VAMC) dự kiến sẽ được rao bán cho đối tác nước ngoài trong năm 2023.
Bên cạnh đó, ngân hàng đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú, dư nợ gốc và lãi là khoảng 16.000 tỷ đồng. Giá trị khoản nợ này là khoảng 10.000 tỷ đồng tương ứng mức giá chào bán là khoảng 18.000-19.000 đồng/cp.
Việc rao bán 18 khoản nợ khủng trên, tuy được đánh giá là khó bán do trị giá lớn và liên quan đến pháp lý, song Sacombank đã khởi động, và tài sản có giá này chắc chắn sẽ thu hút những "tay to". KBSV cho biết sau nhiều lần đấu giá không thành công, các khoản nợ gắn với KCN Phong Phú đã được Sacombank giảm giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá xuống còn khoảng 8.640 tỷ đồng, tương đương 53% tổng dư nợ. Nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng có thể thu hồi được ít nhất 5.134 tỷ đồng dư nợ gốc vào cuối năm nay.
Tuy vậy, các nhà phân tích KBSV cũng không loại trừ khả năng bán đấu giá tài sản không khả quan dẫn đến việc Sacombank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng VAMC trong năm 2023 từ nguồn thu từ lãi đã được cải thiện. Theo KBSV khi đó tăng trưởng lợi nhuận sẽ vượt trội hơn cho năm 2024.
"Tâm điểm" hút nhà đầu tư nhất nhìn lại, có lẽ vẫn là câu chuyện rao bán cổ phần cho đối tác ngoại, có thể theo cơ chế là ngân hàng được nới room ngoại lên tới 49%, theo thỏa thuận của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo thỏa thuận này, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các SOCB như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank khỏi cam kết này. Giới chuyên môn cho rằng để Sacombank được rao bán trọn lô cổ phần, tức sẽ phải vượt khung quy định hiện hành room ngoại không quá 30%, và trên cơ sở năng lực cùng những bước "lột xác" của Sacombank đang thể hiện ở chặng cuối đề án tái cơ cấu, ngân hàng hoàn toàn có khả năng trong nhóm được xem xét.
Có thể bạn quan tâm
Thẻ tín dụng doanh nghiệp Sacombank: Từ khơi thông nguồn vốn đến chi tiêu hiệu quả
16:30, 25/11/2022
Sacombank kết hợp NAPAS ra mắt Napas Combo Card
11:16, 11/10/2022
Sacombank cùng Hội Doanh nhân trẻ tiếp sức doanh nghiệp
11:00, 08/11/2022
VN-Index ngược dòng, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng
15:46, 16/11/2022
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Tuần cổ phiếu ngân hàng biến động
11:30, 15/10/2022
Cổ phiếu ngân hàng còn trụ vững “ngôi vua”?
01:00, 28/09/2022