Sai lầm của be

Theo Khánh Phạm 31/12/2019 12:00

Những ngày đầu ra mắt, be lấy tôn chỉ "Mưa không hét giá" để làm thứ khác biệt thu hút khách hàng.

Bí kíp Cửu Âm Chân Kinh của Kim Dung mở đầu bằng ý "Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt" - lấy tôn chỉ thuận theo tự nhiên mà hành của Lão Tử để tu luyện võ công. Nhưng chiến thuật trên của be dường như đã đi ngược lại với lẽ tự nhiên...

Theo thông tin cung cấp từ Trí Thức Trẻ, nhìn lại 1 năm hoạt động của be, những gì be thực hiện so với tuyên bố ngày ra mắt có một khoảng cách khá xa. Ra mắt ngày 13/12/2018 (thời điểm lăn bánh là 17/12/2018), be cho hay đến cuối năm 2019, ứng dụng của người Việt này sẽ đạt 110.000 đối tác lái xe và hoàn thành hơn 105 triệu chuyến đi. Tuy nhiên sau 1 năm lăn bánh, số lượt tài xế be thu hút được bằng phân nửa (60.000 đối tác), và số chuyến xe chỉ đạt 38 triệu, bằng 1/3 so với tuyên bố.

Những ngày đầu ra mắt, be lấy tôn chỉ "Mưa không hét giá" để làm thứ khác biệt thu hút khách hàng. Quả thật nó cũng có tác dụng giúp nhiều người biết đến hãng trong ngắn hạn, nhưng phải chăng việc mãi kéo dài chính sách này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu chi phí mà be phải chi để có cuốc xe - dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn vốn?

Cụ thể, nếu ai đã từng đón xe khi trời mưa, kẹt xe, giờ cao điểm, hay đơn giản là những đêm chơi lễ muốn trở về từ những chốn đông đúc như phố đi bộ thì cũng biết một điều rằng, cầu cao hơn cung rất nhiều. Rất nhiều người đã phải đứng chờ hàng tiếng đồng hồ, hay buộc phải đi bộ ra thật xa chỗ đông đúc để bắt mà nhiều khi còn không có xe. Vấn đề khi đó giá có cao một chút - nhiều khi người ta không quan tâm bằng có bắt được xe hay không. Mấu chốt khi đó nằm ở chỗ "thiếu xe - thừa tiền".

Lẽ như thế nên các hãng gọi xe như Grab đã có chính sách tăng giá khá cao (x2, x3) để thu được nguồn lợi nhiều nhất có thể. Nhưng vấn đề là mức chênh lệch thu lợi đó rất có thể chính là phần nguồn lực tích lũy để tài trợ khuyến mãi cho những khoảng thời gian thấp điểm. Mà tổng thời gian thấp điểm thì thường là nhiều hơn cao điểm.

Trong khi đó, đối với be, không tính đến việc tự nhận định mình là công ty vận tải để chịu thuế suất VAT cao hơn trên mỗi cuốc xe (10%), chỉ xét về vụ không tăng giá thời gian cao điểm, đã vô hình chung làm cho không chỉ tài xế, hãng, mà chính khách hàng cũng là người chịu thiệt.

Như đã phân tích ở trên, thời gian cao điểm mấu chốt là "thiếu xe - thừa tiền", dù cho be có giá rẻ hơn, xét về lượng phục vụ khách hàng cũng không đáng là bao nhiêu, chưa kể không nhiều tài xế thiết chạy - mà chính như thế còn không tích lũy được "tiền thừa." Để rồi khi trong thời gian thấp điểm, cung cầu đảo ngược, vì không có nguồn lực tích lũy để tài trợ, không thể lấy "thừa đắp qua thiếu", cuốc xe của be có giá cao hơn các hãng như Grab.

Cụ thể, phóng viên Trí Thức Trẻ đã thử đặt cuốc xe từ KĐT Kim Văn Kim Lũ đến 23 Ngô Quyền, GrabCar báo giá 119.000 đồng, beCar báo giá 171.000 đồng, được khuyến mãi thêm 25% nên cước xe beCar còn 128.000 đồng. Cùng một hành trình, giá cước của be cao hơn Grab hơn 40% trong giờ thấp điểm (trong khi Grab còn chưa áp dụng mã KM).

Mà thời gian thấp điểm thì nhiều hơn cao điểm, nên trong khi chi phí bỏ ra tài trợ cuốc xe của be nhiều hơn, mà số lượng cuốc xe lại không tăng tương xứng. Theo tính toán của CEO Fastgo Nguyễn Hữu Tuất căn cứ trên thống kê của ABI Research, be đang đốt lượng tiền hơn gấp đôi Grab trên mỗi cuốc xe.

Cụ thể, Grab thực hiện 146 triệu cuốc xe, đốt khoảng 160 triệu USD, trung bình đốt khoảng 1,1 USD/cuốc. Be thực hiện 31 triệu cuốc thì đã đốt khoảng 75 triệu USD, trung bình đốt khoảng 2,5 USD/cuốc.

Đó là còn chưa nói đến tác dụng ngược của cam kết không tăng giá là khi muốn cân bằng lại tài chính, be khoanh vùng báo giá x1,1 hay x2 trên app thì xuất hiện tình trạng khách hàng không đi. Một vài tài xế than thở khi x1,8 trở lên là app không còn nổ. Cùng với đó là động thái bóp thưởng của tài xế càng làm cho vòng xoáy khó khăn thêm bế tắc.

Chưa bàn đến khả năng cạnh tranh của be trong cuộc chiến gọi xe, xét riêng trên chiến thuật "Mưa không hét giá", có thể thấy việc đi nghịch lẽ tự nhiên này trong thời gian dài đã để lại thiệt hại khá lớn cho hãng - gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc đua đường dài.

Đi ngược đám đông nghe chừng có lẽ là tư duy hay - nhưng có lẽ đi ngược đám đông cũng cần phải nương theo đạo trời mới thuận. Bằng không thì cũng như phàm luyện công mà đi ngược khẩu quyết sẽ rất dễ... tẩu hỏa nhập ma.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sai lầm của be
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO