Việc mua lại chuỗi siêu thị Auchan giúp Saigon Co.op tiến gần đến mục tiêu chạm mốc 1.000 điểm kinh doanh vào cuối năm nay.
Thương vụ Saigon Co.op mua lại Auchan Pháp được xem là thương vụ giúp Saigon Co.op có thể tận dụng những vị trí "vàng" của nhà bán lẻ Pháp hiện nay. Hai bên đã đạt được thoả thuận Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam. Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý.
Có thể bạn quan tâm
21:19, 01/07/2019
09:00, 02/06/2019
06:37, 30/05/2019
05:00, 30/05/2019
Đây được đánh giá là một thương vụ tốt bởi 2 hệ thống bán lẻ này đều đang vận hành theo một mô hình tương tự nhau. Thêm vào đó, Auchan vốn là nhà bán lẻ lớn của Pháp và đang sở hữu nhiều vị trí đắc địa. Việc Auchan phải rút lui khỏi Việt Nam sau 5 năm hoạt động bởi hệ thống bán lẻ này chưa đúng với thị hiếu của khách hàng Việt và Saigon Co.op có thể bù đắp thiếu sót đó.
Theo ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, mục đích mua lại Auchan nằm trong chiến lược mở rộng hệ thống và thị phần. Sau khi chuyển nhượng, mục tiêu đạt 1.000 điểm bán trong năm nay của Saigon Co.op "cán đích" nhanh hơn. Hiện công ty đã có gần 800 điểm bán.
"Auchan đang sở hữu những vị trí đắc địa với nhiều diện tích khác nhau cùng hơn 200.000 khách hàng thành viên. Mỗi diện tích và vị trí khác nhau, công ty sẽ thay đổi bằng mô hình hệ thống siêu thị, cửa hàng tương ứng của Saigon Co.op" ông Dũng nói và cho biết, riêng với 3 siêu thị đang hoạt động, công ty sẽ duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020.
Theo Saigon Co.op, ngoài chuyển nhượng 15 cửa hàng trên, còn mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên. Cụ thể, cả hai đang bàn bạc xuất khẩu sản phẩm Saigon Co.op thông qua kênh của Auchan trên toàn thế giới. Đặc biệt, nông thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội xuất sang Nhật, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ thông qua sự hỗ trợ của Auchan.
Trước đó, năm 2015, Saigon Co.op đã để vuột mất cơ hội sở hữu chuỗi siêu thị BigC từ tay nhà bán lẻ Pháp Casino, khi hãng này quyết định rút mảng kinh doanh tại Việt Nam để tập trung cho những thị trường khác. Thời điểm đó, rất nhiều nhà bán lẻ như các đại gia ngoại TCC, Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) và doanh nghiệp Việt như Vingroup, Masan Group, Saigon Co.op đã chạy đua vào "cuộc chiến" thâu tóm BigC. Tuy nhiên cuối cùng, chuỗi BigC rơi vào tay Tập đoàn Thái Lan Central Group của gia đình tỉ phú Chirathivat.
Thương vụ không thành, đại diện Saigon Co.op khẳng định việc trả giá mua BigC không thua kém đại gia Thái Lan nhưng cuối cùng vì nhiều lí do nên không đạt được thỏa thuận. Saigon Co.op cũng cho rằng thương vụ mua BicC không thành sẽ giúp doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm trong những vụ M&A sắp tới.
Hiện Saigon Co.op kinh doanh thuộc đầy đủ các mô hình mà đơn vị này khai thác.Trong đó, chuỗi siêu thị Co.opmart có hơn 100 điểm, số còn lại thuộc các thương hiệu cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng tiện lợi Co.op Smiles, Cheers.
Theo các chuyên gia, dù là tên tuổi lớn trên thế giới, có quy trình kinh doanh bài bản, Auchan chuyển mình chưa đúng với thị hiếu và "khẩu vị" của khách hàng Việt. Sản phẩm bán tại Auchan thiếu đa dạng trong khi giá cao hơn nhiều so với các hệ thống khác nên khó cạnh tranh. Sau nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply rồi Auchan, thương hiệu này vẫn không cải thiện được doanh thu mà còn cuốn vào vòng xoáy thua lỗ. Auchan là nhà bán lẻ châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Việc mua lại hệ thống siêu thị Auchan được xem là thương vụ lớn của nhà bán lẻ lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam - Saigon Co.op. Thương vụ này cũng đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận lại một thương hiệu tầm cỡ thế giới. |