Saigon One Tower thay chủ, vòng xoáy lận đận có kết thúc?

DIỆU HOA 06/12/2021 03:00

Sau nhiều năm bỏ không tại vị trí đắc địa Quận 1, TP.HCM, tòa cao ốc Saigon One Tower đang có dấu hiệu hồi sinh khi về tay chủ mới.

>>> Gian nan hồi sinh cao ốc Saigon One Tower

>>> Những "cỗ bê tông" bỏ hoang trên đất vàng (KỲ IV): Doanh nghiệp "tí hon" muốn hồi sinh Saigon One Tower

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng bất động sản bất ngờ xuất hiện hình ảnh sa bàn của một dự án sang trọng sắp ra mắt giữa trung tâm TP.HCM. Dự án ngay lập tức được các nhà đầu tư nhận định chính là Saigon One Tower bởi hình dáng quen thuộc.

Xuất hiện hình ảnh sa bàn mới của dự án Saigon One Tower 

XUẤT HIỆN CHỦ MỚI

Dự án mới này được quảng bá với tên gọi IFC One Saigon. Thông tin tại website của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, đơn vị này sẽ phát triển và quản lý dự án.

Cũng theo giới thiệu tại website này, công ty Viva Land chỉ mới được thành lập năm 2020, có trụ sở đặt tại Hà Nội, TP HCM và Singapore. Chủ tịch HĐQT của Viva Land là Chen Lian Pang, Giám đốc điều hành ông Eddie Lim.

Được biết, cả 2 nhân sự đầu não của doanh nghiệp này đều từng là “tướng lĩnh” của nhà Capital Land Việt Nam. Trong đó, ông Chen Lian Pang từng là Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam, ông vừa rời khởi chức vụ này vào ngày 1/7/2020.

Ông Eddie Lim được giới thiệu có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand, phụ trách điều hành hoạt động kinh doanh và đầu tư về căn hộ dịch vụ và bán lẻ. Ông Eddie Lim đã từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao và có nhiều kinh nghiệm làm việc quốc tế tại các quốc gia trong khu vực như Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số bất động sản cần dữ liệu

    Chuyển đổi số bất động sản cần dữ liệu

    16:00, 04/12/2021

  • Giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản

    03:00, 04/12/2021

Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng cho biết đang sở hữu tới 800ha đất sắp được triển khai, với tổng giá trị tài sản đang quản lý trên 5 tỷ đô. Các dự án tiêu biểu của Viva Land đang thực hiện tại TP.HCM gồm IFC Onee, Project GP (Nguyễn Trãi, quận 5), Waterfront Saigon (Tôn Đức Thắng, quận 1), Saigon Peninsula (phường Phú Thuận, quận 7).

Trong khi đó, thông tin tại Vietimes.vn, Viva Land có cơ cấu cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm các bà: Nguyễn Thị Kim Khánh sở hữu 30% điều lệ, Dương Thị Hạnh sở hữu 20% VĐL và Nguyễn Thị Ngọc Mai sở hữu 25% VĐL.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1986) - cổ đông lớn của Viva Land, còn là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh. Doanh nghiệp này trong ít tháng trở lại đây đã cùng CTCP Osaka Garden và CTCP Phú Hoàng Vương đã hút về 15.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu, mục đích nhằm đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Vụ chuyển nhượng được cho là có liên quan tới Masterise Homes.

DỰ ÁN ĐƯỢC HỒI SINH

Trong khi đó, về phía dự án, thực tế đây không phải lần đầu có thông tin dự án trên được hồi sinh, vòng tròn luẩn quẩn của dự án đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng kết quả vẫn chỉ là khối bê tông “trơ gan cùng quế nguyệt”.

Theo tìm hiểu Dự án Sài Gòn One Tower có diện tích 6.672,2 m2. Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà sẽ có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp. Tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỉ đồng).

Dự án từng bị đắp chiếu nhiều năm trên đất vàng quận 1

Chủ đầu tư dự án là CTCP Sài Gòn One Tower, liên doanh của CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, dự kiến ban đầu đây sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP HCM khi hoàn thành vào năm 2009 – cao trên 195 m. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án chỉ mới xây dựng xong phần thô thì bất ngờ bị ngừng thi công. Ước tính 80% khối lượng công việc đã được hoàn thành, kính bao tòa nhà cũng đã ốp gần hết.

Dự án được lùi thời gian hoàn thành dự kiến sang năm 2012, rồi 2013, thế nhưng sau đó dự án đắp chiếu im lìm.

Đến đầu năm 2017, thị trường xôn xao bởi thông tin tòa tháp sẽ được các nhà đầu tư ngoại rót thêm vốn để hoàn thiện vào năm 2018. Cụ thể, Tập đoàn kiến trúc RST (Singapore) khi đó cho biết đang thực hiện dự án tòa nhà tại giao lộ Hàm Nghi – Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King.

Thông tin về "ông lớn" địa ốc Hồng Kông này tiếp tục làm sống lại kì vọng của thị trường về việc hồi sinh và hoàn thiện tòa cao ốc bên bờ sông Sài Gòn. Công trình dự kiến được tái khởi động vào tháng 10/2017 và phải hoàn thiện phần xây dựng thô trước Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower từ tháng 5/2017.

Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, tuy nhiên mức giá này không những không hấp dẫn được các doanh nghiệp mà còn bị phản đối và một số đơn vị đã đặt thấp hơn mức khởi điểm. Vận mệnh của dự án tiếp tục đi vào bế tắc.

Thực tế cho thấy, dù đứng liền kề sát bên, thậm chí cao vượt tòa tháp Bitexco - biểu tượng của TP HCM, Sài Gòn One Tower trong mắt người dân Sài thành đã trở thành hình ảnh tòa nhà bệ vệ, trơ trọi và hoang vắng án ngữ "đất vàng" hơn thập kỉ qua.

Tòa cao ốc cũng từng bị lãnh đạo TP HCM bêu tên là một trong những công trình làm xấu diện mạo đô thị và là một trong những “điểm đen” cần sớm được giải quyết. Song dù chủ mới là ai thì thông tin dự án chuẩn bị được hồi sinh cũng được người dân mong chờ.

QUYỀN LỢI NHÀ ĐẦU TƯ RA SAO?

Bên cạnh số phận lận đận của dự án, một số vấn đề liên quan như thời hạn sử dụng đất và quyền lợi của nhà đầu tư cũ cũng được quan tâm nhiều.

Được giao đất từ năm 2008, dự án chỉ còn thời hạn sử dụng đất là 37 năm

Về thời hạn sử dụng đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho rằng việc năm 2019, VAMC khi bán đấu giá dự án đã xác định thời gian sử dụng đất còn lại của Sài Gòn One Tower là 39 năm, sau khi trừ đi 11 năm từ thời điểm dự án có quyết định giao đất năm 2008 theo quy định thời hạn sử dụng đất còn lại tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính việc áp dụng quy định này đã làm giá trị của dự án đã bị giảm và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong khi đó, một số thông tin cũng cho rằng thời điểm 2007 - 2008, bởi sở hữu vị trí vàng trung quân quận 1 nên dù có giá bán từ 100 - 150 triệu đồng/m2 nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn bỏ tiền chốt căn hộ tại đây.

Thế nhưng, đến năm 2011, dự án bỗng dưng dừng thi công và cũng từ đó các khách hàng ngậm trái đắng vì nhà không có mà nhận, vốn hàng chục, hàng trăm tỉ bị chôn vô thời hạn.

Khách hàng dự án này cũng không ít lần “chao đảo” bởi các lần bị siết nợ, cho đến hiện tại, khi về tay chủ mới, quyền lợi của nhóm khách hàng này vẫn đang bỏ ngỏ.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, việc giải quyết quyền lợi của khách hàng phải tùy theo hiệu lực pháp lý giao dịch của họ với chủ đầu tư. Với trường hợp giao dịch trước khi thế chấp hoặc sau khi thế chấp nhưng được ngân hàng đồng ý khách hàng sẽ được đảm bảo về quyền lợi bằng cách hoàn trả, bồi thường bằng tiền hoặc thỏa thuận thêm với bên mua tài sản tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn. Nếu không chấp thuận việc giải quyết, khách hàng có thể kiện ra tòa yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng trả lại tiền.

Trường hợp thứ 2 có thể xảy ra đó là góp vốn sau khi dự án bị thế chấp nhưng không được ngân hàng đồng ý thì khách hàng này không được đảm bảo quyền lợi chắc chắn, họ có thể khởi kiện chủ đầu tư để hoàn trả tiền vì giao dịch không có hiệu lực pháp lý.

Và cuối cùng, có thể chủ đầu tư mới có thể sẽ ngồi cùng khách hàng góp vốn, ngân hàng và chủ đầu tư cũ đưa ra một sự thỏa thuận thống nhất phương án giải quyết cho tất cả các khách hàng. Song việc này dựa vào thiện chí của các bên, không phải trường hợp bắt buộc.

Về phía giới đầu tư cũng đang mong chờ ngày hồi sinh của dự án. Chia sẻ trên các trang tin tức bất động sản, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự tò mò về mức tăng giá của dự án sau hơn 10 năm đắp chiếu, lãi suất chậm tiến độ được tính ra sao. 

Mặt khác, cũng nhiều ý kiến quan ngại về chất lượng của công trình vì đã "dầm mưa dãi nắng" hơn một thập kỷ, chất lượng liệu còn đảm bảo như lúc đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Gian nan hồi sinh cao ốc Saigon One Tower

    Gian nan hồi sinh cao ốc Saigon One Tower

    04:00, 14/09/2021

  • Những

    Những "cỗ bê tông" bỏ hoang trên đất vàng (KỲ IV): Doanh nghiệp "tí hon" muốn hồi sinh Saigon One Tower

    05:00, 11/11/2020

  • Đấu giá dự án Saigon One Tower: Kịch bản nào có thể xảy ra?

    Đấu giá dự án Saigon One Tower: Kịch bản nào có thể xảy ra?

    10:52, 02/04/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Saigon One Tower thay chủ, vòng xoáy lận đận có kết thúc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO