Với việc đang hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, giấc mơ vươn ra thế giới từ Chu Lai không còn là điều hoang tưởng!
Cách đây hơn 20 năm, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từng nói: “Hàng loạt sân bay Quốc tế tại Việt Nam đã quá tải. Đã đến lúc phải mở cửa đầu tư phát triển sân bay Chu Lai sớm trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Nếu không sẽ là một lãng phí lớn…!”
Vì sao lại là sân bay Chu Lai?
Cách đây hơn 16 năm khi nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đặt bước chân đầu tiên lên đường băng sân bay Chu Lai bỏ hoang đã thốt lên rằng: ”Không có sự phân biệt bạn thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn. Không mở cửa bầu trời Chu Lai, biến thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế tại khu vực là một lãng phí rất lớn”.
Câu chuyện mở cửa bầu trời sân bay Chu Lai ngay sau đó được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thời đó gấp rút bàn tính tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Cũng nói về sân bay Chu Lai, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Quảng Nam mới đây, TS.Trần Du Lịch cũng tỏ ra tiếc nuối cho Chu Lai. Ông nói ngày xưa một trong những lý do chọn Chu Lai làm kinh tế mở thuyết phục chính là có sân bay Chu Lai. “Nếu tận dụng được lợi thế này thì Quảng Nam sẽ phát triển, nhưng rất tiếc là chưa phát huy tác dụng dù đã 15 năm xây dựng.
Công suất đón khách tối đa của cảng hàng không Chu Lai hiện đã đạt 1,7 triệu khách, kỳ vọng đến năm 2030 sẽ nâng cấp với công suất đón 4,1 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa.
Cũng theo TS Trần Du Lịch: “Sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ trở thành một sân bay vùng. Mà thời điểm nào đầu tư nó chính là điều quan trọng và đô thị sân bay sẽ hình thành để phát triển logistics hàng không gắn với sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ được hình thành! Nếu không đầu tư sớm sẽ là một lãng phí lớn tài nguyên Quốc gia.”
Có thể bạn quan tâm
03:47, 14/07/2018
06:03, 08/07/2018
Khát vọng mở cửa bầu trời
Tại cuộc tọa đàm xúc tiến đầu tư do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lại một lần nữa nói khát khao mở cửa bầu trời Chu Lai vươn ra Thế giới từ sân bay Chu Lai.
“Theo tính toán của các chuyên gia, với bán kính 3.000km, sân bay Chu Lai có thể bao phủ đến được các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… nên chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư để biến sân bay Chu Lai trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho các nước Đông Nam Á và châu Á” - ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Theo quy hoạch của Chính phủ, sân bay Chu Lai sẽ sớm trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế, trung tâm dịch vụ bảo dưỡng duy tu, sửa chữa máy bay, nên rất cần nguồn lực đầu tư đủ mạnh mới hiện thực hóa khát vọng mở cửa bầu trời Chu Lai vươn ra Thế giới.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, một dự án mở rộng cảng hàng không sân bay Chu Lai được khởi động với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng là bước khởi đầu để hiện thực khát vọng biến sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế trong điều kiện còn nhiều gian khó của Quảng Nam và đất nước.
Theo thống kê từ cảng hàng không sân bay Chu Lai cho biết: Nếu trong năm 2015 lượng khách đến sân bay Chu Lai mới chỉ đạt 155 nghìn người, thì con số này tăng lên 550 nghìn người vào năm 2016 và đạt 680 nghìn người vào năm 2017. Công suất đón khách tối đa của cảng hàng không Chu Lai hiện đã đạt 1,7 triệu khách. Kỳ vọng đến năm 2030 sẽ nâng cấp với công suất đón 4,1 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa.
Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề để nghiên cứu chiến lược, rằng “vùng miền Trung phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai là hạt nhân của vùng và sân bay Chu Lai là một lợi thế tiềm năng về trung chuyển hàng không Quốc tế trong khu vực.
Với những quyết tâm đó, một giấc mơ bay lên vươn ra Thế giới từ Chu Lai không còn là điều hoang tưởng!