Công nghệ

Sản phẩm “make in VietNam” nâng cao năng lực nền kinh tế

Hạnh Lê 20/04/2025 03:30

Nhiều sản phẩm "make in VietNam" ứng dụng công nghệ mới tạo năng lực vượt trội, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt đã nỗ lực hoàn thiện và phát triển các sản phẩm công nghệ “make in VietNam”, tạo sự bứt phá cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và đồng hành cùng mục tiêu đưa kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025.

TT Bui Hoang Phuong 3
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2025

Tại lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2025, ông Nguyễn Văn Khoa - CEO tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh: giải thưởng Sao Khuê 2025 ghi dấu ấn với kỷ lục mới về quy mô với hơn 500 hồ sơ đề cử từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cả nước. Từ các đề cử trên, Ban Giám khảo đã có chấm điểm và trao giải cho 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc.

Trong đó, 25 đề cử được xếp hạng 5 sao là những sản phẩm dịch vụ vượt trội về công nghệ, có hiệu quả kinh tế và tác động xã hội; 9 sản phẩm dịch vụ tiên phong được bình chọn Top 10 Sao Khuê 2025 - hạng mục danh giá nhất của giải - tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, fintech, tiếp cận số, dịch vụ chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, ngân hàng số, thiết bị thông minh, quản trị hệ thống công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo.

Số lượng vượt trội các đề cử tham gia giải thưởng, theo ông Nguyễn Văn Khoa cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ghi nhận từ giải thưởng Sao Khuê năm nay, doanh thu năm 2024 của 198 đề cử đoạt giải là gần 48.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024.

Các giải pháp này đang trực tiếp góp phần chuyển đổi số, thông minh hóa các quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính, giải quyết những bài toán của Chính phủ và các địa phương trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Lời giải cho những bài toán không chỉ mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trong nước mà còn phục vụ phát triển thị trường quốc tế.

Ong Nguyen Van Khoa 1
CEO tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh các doanh nghiệp công nghệ đang đầu tư mạnh cho R&D, phát triển sản phẩm công nghệ "make in VietNam"

Đặc biệt, năm nay cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các dịch vụ giải pháp đổi mới sáng tạo, giải pháp mới. Các ứng dụng và giải pháp trong lĩnh vực này đều ứng dụng các công nghệ mới như AI và các tác nhân AI (AI Agents), AI vision (lĩnh vực của AI giúp máy tính “nhìn thấy” và hiểu thế giới hình ảnh), blockchain, robot... nhằm tối ưu hiệu quả cho doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp công nghệ số đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, ứng dụng AI và các công nghệ mới khẳng định nỗ lực sáng tạo không ngừng, sẵn sàng dấn thân, tự chủ và dẫn dắt trong nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị” - ông Nguyễn Văn Khoa cho biết thêm.

Từ thực tế, nhiều AI Agents được hoàn thiện trong các sản phẩm, giải pháp cho từng nghiệp vụ của doanh nghiệp (như kế toán, nhân sự, bán hàng, quản trị, vận hành sản xuất) và các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, y tế, logistics… đã mang lại những kết quả “đo đếm được”. Chẳng hạn, Ajinomoto giảm 85% khối lượng giấy tờ, rút ngắn 70% thời gian phê duyệt, giảm 50% lỗi do con người chỉ sau 6 tháng triển khai Tasken eOffice; Flamingo Redtours chuyển đổi số giảm 40% xử lý đơn đặt hàng, tiết kiệm 25% chi phí nhân sự; Nhiệt điện Uông Bí tiết kiệm nhiều tỷ đồng với hệ thống bảo trì dự đoán tiên tiến…

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa khẳng định: không chỉ là xu hướng, GenAI đang định hình lại bản chất của các dịch vụ số, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn "tăng trưởng bằng tri thức" thay vì "tăng trưởng bằng tài nguyên và lao động giá rẻ". Các giải pháp về AI, blockchain và điện toán đám mây được vinh danh đã được đưa vào những hợp đồng lớn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ. Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu.

Chia sẻ với các doanh nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với nền tảng là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, chứng kiến sự phát triển của những công nghệ số chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, VINASA trao giải các sản phẩm dịch vụ tiên phong được bình chọn Top 10 Sao Khuê 2025
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, VINASA trao giải các sản phẩm dịch vụ tiên phong được bình chọn Top 10 Sao Khuê 2025

Trước những tác động từ bất định của kinh tế, chính trị thế giới, thời gian tới Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho rằng, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới cần nghĩ lại, đánh giá lại và đặt lại vấn đề về tầm quan trọng của sự tự lực, tự cường, tự chủ của dân tộc. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng, thúc đẩy để hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực nội sinh mạnh mẽ, từng bước xây dựng khả năng làm chủ công nghệ lõi, làm chủ chuỗi giá trị, không để bị phụ thuộc, bị động. Để làm được điều đó, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực, tư duy đổi mới, sáng tạo và đặc biệt là khát vọng, sự dấn thân của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội để tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ số ngang tầm với thế giới, góp phần đưa Việt Nam vươn xa hơn nữa trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sản phẩm “make in VietNam” nâng cao năng lực nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO