Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Các sàn thương mại điện tử đều thường làm ví điện tử để thuận tiện hơn cho khách mua hàng. Nhưng có vẻ tiềm năng và tham vọng của các sàn không dừng lại ở đó.
Sendo có ví SenPay. Shopee vừa đổi tên ví Airpay thành Shopee Pay để phát triển mạnh hơn ví này. Tiềm năng của ví có vẻ rộng hơn việc chỉ thanh toán mua hàng trên sàn thương mại điện tử nếu chúng ta nhìn vào động thái của một ông lớn sàn thương mại điện tử Shopify.
Dựa vào cái tên, ta có thể đoán rằng Shopify là một “nền tảng thương mại điện tử”. Câu trả lời này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì Shopify đang dần phát triển thành một công ty thanh toán (fintech) trong vài năm qua.
Chính xu hướng “sàn làm ví” cũng do Shopify là một trong những cái tên đi đầu khi ra mắt Shopify Payments vào năm 2013 - sau gần một thập kỉ đầu tiên hoạt động dưới hình thức của một công ty cung cấp giải pháp bán hàng qua mạng.
Shopify Payments cho phép các chủ cửa hàng thanh toán dễ dàng hơn, với mức phí 2.9% và 30 cents cho mỗi giao dịch. Tiện ích này nhanh chóng chứng minh vai trò của mình trong kế hoạch kinh doanh của Shopify:
Năm 2015: trong năm đầu tiên Shopify chào sàn, doanh thu từ Shopify Payments (38 triệu USD) chỉ bằng một nửa so với doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi (67 triệu USD)
Năm 2020: mọi thứ đã thay đổi khi Payments đóng góp 2 tỷ USD, trong khi mảng còn lại chỉ là 909 triệu USD
Vào tuần trước, công ty trị giá 183 tỷ USD này công bố nền tảng thanh toán của họ - nay có tên gọi Shop Pay - sẽ có sẵn cho người dùng bán các sản phẩm trên các tiện ích của Facebook hay Google bắt đầu từ mùa hè này. Đáng chú ý, những người dùng này không cần phải có tài khoản mua bán trên sàn Shopify. Điều đó có nghĩa Shop Pay đang trở thành một ví điện tử tương đối độc lập. Shopify tự tin nói rằng Shop Pay nhanh hơn 70% so với các tuỳ chọn thanh toán khác.
Chúng ta thấy gì từ động thái này? Facebook - Google - Shopify phải chăng đang vô tình hình thành một “liên minh” chống lại Amazon? Khi mà đứa con của Jeff Bezos đang cố gắng tập trung tất cả mọi hoạt động thương mại điện tử, thì mục tiêu của Shopify là mang đến cơ hội cạnh tranh cho tất cả mọi người - sẽ có một cuộc “nổi loạn” sớm xảy ra chăng?
Và nhìn vào bức tranh thương mại điện tử ở Việt Nam, Shopee và Shopee Pay liệu có làm nên chuyện, khi người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn và đã dần làm quen các nền tảng mua sắm và thanh toán trực tuyến trong suốt nhiều tháng chống chọi với đại dịch?
Mặc dù thị trường Việt Nam có đến hơn 30 ví điện tử được cấp phép, nhưng phần lớn thị phần chỉ nằm trong tay dưới 5 ví. Nhìn vào con đường phát triển “sàn + ví” thành công của Shopify, và động thái đầu tư vào Shopee Pay của Shopee, có thể các ví điện tử Việt sẽ phải dè chừng chiến lược “ví sàn” này.
Có thể bạn quan tâm