Nhiều Quốc gia vay nợ Trung Quốc để thực hiện các dự án hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ, điển hình là Sri Lanka.
>>Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ I): Rủi ro vay nợ Trung Quốc
Các dự án cơ sở hạ tầng cần thời gian dài để phát huy hiệu quả, trong khi khoản đầu tư lại cực lớn là một rủi ro đáng kể đối với những nước đi vay nợ Trung Quốc cho các dự án của BRI, vì không phải lúc nào bối cảnh cũng thuận lợi.
Đại dịch COVID-19 là một bất ngờ lớn có tác động hết sức tiêu cực đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Đối với các nền kinh tế nghèo tham gia vào BRI, đại dịch này một mặt làm trì trệ nền kinh tế, mặt khác làm ngưng trệ các dự án, đẩy rủi ro các khoản vay lên rất cao vì không ai biết khi nào các dự án sẽ được hoàn thành và đi vào sử dụng. Dù dự án được đưa vào khai thác, thì hiệu quả sẽ khó được như kỳ vọng, không thu lợi đủ để trả nợ vay cho Trung Quốc.
Khi còn chưa vượt qua được những khó khăn mà đại dịch gây ra thì thế giới lại phải hứng chịu hai biến cố tồi tệ không kém, đó là chiến sự Nga-Ukraine và FED tăng lãi suất. Trong đó, chiến sự Nga- Ukraine khiến thế giới rơi vào tình trạng thiếu lương thực và đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng (dầu lửa và khí gas) vì những lệnh cấm vận kinh tế liên quan đến cuộc chiến này. Kết quả là giá lương thực và năng lượng tăng vọt, khiến lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu.
Lạm phát ở Mỹ đã lên tới 9,1%- mức cao nhất trong 41 năm qua, buộc FED phải liên tục tăng lãi suất, hiện đã ở mức 2,25- 2,5% và sẽ còn tăng lãi suất cao hơn nữa. Điều này có nguy cơ gây ra tình trạng đình lạm (vừa lạm phát vừa trì trệ kinh tế) không chỉ ở Mỹ, mà ở cả nhiều nước nghèo và đang phát triển.
Tồi tệ hơn, tình trạng tham nhũng và bị mua chuộc trong các hợp đồng vay nợ từ Trung Quốc tạo ra những rủi ro bất ổn cả về chính trị và xã hội cho những nước vay. Tình trạng hỗn loạn ở Sri Lanka là minh chứng rõ nét cho điều này.
>>Đối trọng mới của "Vành đai và Con đường"
>>G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
>>Cái chết của “Vành đai và Con đường”
Những cơ sở hạ tầng quy mô lớn của BRI sẽ khó đem lại lợi ích kinh tế và phát triển lớn như kỳ vọng ban đầu và có thể trở thành gánh nặng lâu dài.
Bối cảnh trên đã khiến nhiều nước nghèo vay nợ quá mức rơi vào nguy cơ vỡ nợ rất cao, đặc biệt là những nước nghèo lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực, năng lượng và nhiêu liệu. Trong đó, trường hợp nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ là một ví dụ điển hình hiện nay. Sri Lanka có vay nợ nước ngoài quá lớn, lên tới 35 tỷ USD trong khi GDP của nước này chỉ vào khoảng trên 80 tỷ USD. Khoản vay từ Trung Quốc chủ yếu được sử dụng cho các dự án BRI được công bố chính thức khoảng 6 tỷ USD, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Trong khi đó, thu nhập của nước này lệ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu chè sang Nga, Ukraine và nguồn khách du lịch cũng từ hai nước này. Tuy nhiên, chiến sự Nga- Ukraine đã khiến Sri Lanka bị mất hoàn toàn những nguồn thu này. Đồng thời, giá nhập khẩu nguyên liệu và lương thực thế giới tăng mạnh và FED cũng tăng mạnh lãi suất. Tất cả những yếu tố này đã dồn nền kinh tế Sri Lanka vào bế tắc không lối thoát trong chốc lát. Ngày 22/6/2022, Thủ tướng nước này phải tuyên bố nền kinh tế Sri Lanka vỡ nợ và hoàn toàn sụp đổ vì không còn tiền để trả nợ, không còn tiền để nhập khẩu lương thực và xăng dầu.
Đáng nói, Sri Lanka là nước vay nợ Trung Quốc rất nhiều cho các dự án BRI, điển hình là dự án cảng nước sâu Hambantota. Nước này đã không thể trả được nợ và đã phải giao nộp dưới hình thức cho Trung Quốc thuê cảng này với thời hạn 99 năm. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa khiến nền kinh tế Sri Lanka kiệt sức, và khi phải đối mặt với bối cảnh khó khăn kể trên, Sri Lanka không còn lối thoát nào và buộc phải tuyên bố phá sản.
Nhiều quốc gia khác, như Pakistan, Argentina…cũng đang rơi vào cảnh tương tự như Sri Lanka và đang phải cầu cứu IMF để có tiền trang trải nợ và tiếp tục nhập khẩu những thứ cần thiết cho nền kinh tế.
Xét về dài hạn, Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm sản xuất của thế giới. Xung đột địa chính trị giữa Mỹ, phương Tây với Trung Quốc đang tạo ra một khuynh hướng mới, trong đó sản xuất bắt đầu quay về Mỹ và các nước phương Tây. Điều này cũng có nghĩa là quy mô vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu sẽ không còn lớn như trong vài thập kỷ qua. Vì vậy, các cảng quy mô lớn có khả năng không hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang.
Tình hình nói trên đặt ra một rủi ro nữa cho các dự án của BRI mà nhiều nước nghèo đang ôm ấp nhiều hy vọng sẽ thu lợi lớn từ đó. Nghĩa là, những cơ sở hạ tầng quy mô lớn của BRI sẽ khó đem lại lợi ích kinh tế và phát triển lớn như kỳ vọng ban đầu và có thể sẽ trở thành những gánh nặng lâu dài về kinh tế, chính trị, xã hội cho những nghèo vay nợ nhiều vì tham gia vào BRI.
Tình trạng vay nợ mang tính rủi ro cao như vậy sẽ lập tức gây khủng hoảng nợ trong bối cảnh bất ổn kinh tế, chính trị, xã hội xảy ra đồng thời như trên. Hậu quả là nền kinh tế những nước nghèo tham gia vào BRI sẽ phải đối mặt với tình trạng bế tắc kéo dài và hàng trăm triệu người sẽ lâm vào cảnh khốn khó trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 08/08/2022
05:30, 14/06/2021
11:00, 06/06/2021
06:00, 24/04/2021
11:10, 31/05/2020
11:00, 12/05/2019