“Điện, nước là mặt hàng thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu, nếu phải gánh quá nhiều chi phí sẽ khiến người dân bị "ngộp", nhất là trong bối cảnh hiện nay”.
Đây là chia sẻ của TS Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) xung quanh kiến nghị xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng điện và nước sinh hoạt đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, từ trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, cử tri các tỉnh An Giang, Tiền Giang đã có nhiều kiến nghị về việc xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng đối với điện và nước sinh hoạt. Ý kiến cử tri cho biết, trong tình hình hiện nay, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 8% đối với một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước sinh hoạt là cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người dân.
Do đó, cử tri đề nghị tiếp tục điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng riêng cho các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, điện nước sinh hoạt theo Nghị quyết 110/2023 của Quốc hội. Bên cạnh đó, hiện nay thuế GTGT 10%, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) giảm dưới 10% các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp. Đồng thời xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng điện và nước sinh hoạt.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện bỏ thuế đối với điện và nước sinh hoạt được các đại biểu đề xuất. Hồi tháng 10/2023, cử tri các tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hải Dương cũng từng phản ánh tình trạng người dân ở vùng nông thôn hiện nay phải nộp thêm tiền thuế GTGT đối với điện thắp sáng và nước sinh hoạt là không hợp lý.
Đồng thời, cử tri cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu có chính sách để miễn các loại thuế này cho người dân sống tại vùng nông thôn. Thế nhưng Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất này bằng viện dẫn luật Thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ và địa bàn tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, Luật Thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế.
Và trong công văn trả lời cử tri các tỉnh An Giang, Tiền Giang mới đây, Bộ tài Chính vẫn giữ nguyên câu trả lời như những lần trước.
Từng bình luận trên tờ Thanh niên về vấn đề này, TS Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, cách lý giải Bộ Tài chính chưa hợp lý. Theo ông Điền, việc thu thuế nằm trong quy định, nhưng các cử tri, đại diện cho tiếng nói của người dân đề xuất sửa quy định thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rà soát lại các quy định xem đã phù hợp hay chưa, có bất cập không để nghiên cứu sửa đổi.
Ông Điền phân tích, nước, điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu, trong đó điện, nước là "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu" trong đời sống hàng ngày của người dân, nếu phải gánh quá nhiều chi phí sẽ khiến người dân bị "ngộp", nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Thực tế, hóa đơn tiền nước của các hộ gia đình ngày càng tăng cao bởi nước sạch đang được cộng thêm rất nhiều loại phí, và phí nào cũng có xu hướng điều chỉnh tăng theo từng năm.
Đơn cử, theo quy định hiện hành thì hàng năm, đơn vị cấp nước sẽ chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi sở tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
"Một mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân mà cõng quá nhiều thuế, phí, lại còn không thuộc diện được ưu tiên trong các chương trình kích cầu, như vậy là hết sức vô lý", TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá.
Đồng quan điểm, TS Bùi Trinh (Viện Quản trị và Công nghệ FSB – trường Đại học FPT) cũng cho rằng, điện, nước thuộc lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không nên đánh thuế. Chưa kể, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng mà còn là mặt hàng thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh.
Theo vị chuyên gia này, giảm thuế không chỉ giúp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân mà còn tạo cơ hội cho hàng hóa, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường giảm giá theo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, giá cả của sản phẩm nào có thể giảm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.
Từ câu chuyện đánh thuế GTGT với nước sạch, ông Bùi Trinh dẫn lại rất nhiều mặt hàng thiết yếu hiện nay đang phải chịu nhiều loại thuế, phí bất hợp lý. Điển hình là xăng dầu. Đây là mặt hàng thiết yếu của toàn xã hội, từ doanh nghiệp đến người dân ai cũng phải sử dụng.
“Nếu bỏ thuế TTĐB với xăng, bỏ thuế GTGT với điện, nước thì doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, người dân chi tiêu nhiều hơn, trong tương lai nguồn thu sẽ gia tăng, bù đắp cho phần thu từ thuế ", ông Bùi Trinh đặt vấn đề và cho rằng Nhà nước nên mở rộng chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng do Nhà nước quản lý (như điện, nước, xăng dầu) để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng.