Thời gian gần đây, việc các văn phòng luật, luật sư bị mạo danh để quảng cáo “thu hồi tiền lừa đảo” xuất hiện “chi chít”, “dày đặc” trên mạng xã hội. Đáng nói, đã có không ít người bị sập bẫy lần hai…
>>Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 3: Ngang nhiên quảng cáo, “giăng bẫy tìm mồi”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tình trạng mạo danh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội như facebook, tiktok... vẫn đang nở rộ và diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục thay đổi phương thức để tiếp cận các nạn nhân mới. Điển hình là tình trạng mạo danh luật sư, văn phòng luật sư để lừa đảo.
Chia sẻ về chiêu lừa đảo này, các chuyên gia cho biết, đã có những nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn cả tin và bị dụ tham gia "làm cộng tác viên", "làm nhiệm vụ online", đặc biệt trong giai đoạn cuối năm và cận Tết. Sau khi bị lừa, đa số đều tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm lấy lại tiền đã mất. Đánh vào tâm lý này, kẻ xấu đã mạo danh Facebook các luật sư và văn phòng luật để lừa nạn nhân lần thứ hai. Nhiều tài khoản thậm chí chạy quảng cáo để tăng khả năng tiếp cận người dùng.
Hành vi chung của nhóm này là sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của luật sư nổi tiếng, đăng bài quảng cáo dịch vụ giải ngân tiền bị treo. Đây đều là các kênh mới lập hoặc đổi tên từ tài khoản bị đánh cắp, sau đó sửa nội dung, thời gian đăng bài, mua tương tác giả để tạo uy tín.
Từng liên tục bị các đối tượng lừa đảo mạo danh, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, gần đây, ông bị một số trang Facebook mạo danh hoặc lợi dụng hình ảnh rồi hứa hẹn thu hồi tiền cho nạn nhân bị lừa đảo trên mạng.
“Ngoài trường hợp của tôi, các đối tượng cũng giả mạo nhiều luật sư và công ty luật khác. Thậm chí, họ còn sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) dựng nhiều video clip như thật, mà trường hợp của tôi là một đoạn video dài 27 giây chỉ từ duy nhất một bức ảnh bình thường. Chính tôi cũng giật mình với hình ảnh, khẩu hình, giọng nói cứ như của mình”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Vị luật sư cũng cho biết, các đối tượng giả mạo từ luật sư, công ty luật cho đến VAMC (Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), thậm chí cả Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
“Công thức để các đối tượng dễ dàng lừa đảo là mạo danh các luật sư có ảnh hưởng, uy tín nhất định, nhất là những người hay xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội, cộng với thủ đoạn mồi chài rất hấp dẫn là hỗ trợ hay tư vấn “miễn phí”, “không thu phí”, “phí trả sau”, “không tính bất cứ khoản phí nào cho đến khi chúng tôi giúp bạn lấy lại tiền”... Nếu “con mồi” sa bẫy thì tất cả đều dẫn đến một kết cục giống nhau là mất thêm tiền mà không thể lấy lại được đồng nào đã bị chiếm đoạt trước đó”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
>>Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 1: Trăm dâu đổ đầu … “người dại”
Liên quan đến vấn nạn quảng cáo mạo danh trên Facebook, phản hồi các cơ quan báo chí mới đây, Facebook cho biết: "Để giữ an toàn cho mọi người và doanh nghiệp trong quá trình mua, bán, quảng cáo và sáng tạo trên Facebook, chúng tôi đã đặt ra các chính sách nghiêm cấm nội dung vi phạm quyền của người khác, bao gồm cả việc bán hoặc quảng cáo sản phẩm giả mạo".
Đại diện Facebook cũng cho biết, nền tảng có hệ thống tự động xét duyệt quảng cáo cùng nhóm chuyên gia làm việc 24/7 để hỗ trợ xem xét nội dung được báo cáo và xóa nội dung hoặc vô hiệu hóa tài khoản vi phạm. "Nếu báo cáo đầy đủ và hợp lệ, nhóm sẽ nhanh chóng xóa nội dung được báo cáo, thường trong vòng một ngày sau khi chúng tôi nhận được báo cáo", đại diện Facebook phản hồi.
Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến cho biết, dù các tài khoản giả mạo đã bị xử lý, tuy nhiên, các tài khoản giả mạo khác lại tiếp tục được “mọc” ra để chạy quảng cáo lừa đảo. Các tài khoản lừa đảo nhiều đến mức “báo cáo không xuể”!
Trao đổi về việc vì sao những hành vi lừa đảo diễn ra “nhan nhản” mỗi ngày nhưng ngân hàng không thể ngăn chặn? Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, Chủ tài khoản hay ngân hàng thấy dấu hiệu lừa đảo bị rút mất tiền cũng rất khó ngăn chặn, còn khi tiền đã bị tội phạm chuyển đi thì chỉ còn biết hy vọng mong manh vào kết quả điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng chức năng.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, ngay khi việc mất tiền vừa mới xảy ra cũng đã rất khó lấy lại, chứ chưa nói đến việc đã xảy ra nhiều ngày, vì khó kiểm soát hoạt động chuyển tiền điện tử chỉ diễn ra trong tích tắc qua nhiều tài khoản hay tài khoản “ma”. Ngân hàng cũng rất khó ngăn chặn và không dễ dàng cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người khác vì những quy định bảo mật tại Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cùng với nhiều quy định khác.
“Đáng tiếc là luật mới chỉ đáp ứng được một vế là bảo mật thông tin mà chưa có cơ chế cần thiết, hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng gian lận, lừa đảo”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm