Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có văn bản chấp thuận niêm yết cổ phiếu PVP của Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific).
>>>Thêm cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
Cụ thể, PVP sẽ được chấp thuận niêm yết 94,3 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ là 942,8 tỷ đồng. PVP phải tuân thủ quy định về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, HoSE đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 94,3 triệu cổ phiếu của PVP hiện đang niêm yết trên sàn UpCOM.
PVP được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập gồm Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB). Đơn vị chính thức đi vào hoạt động vào năm 2008 và hiện có vốn điều lệ 942,75 tỷ đồng.
Kinh doanh vận tải dầu thô là mảng kinh doanh chính và quan trọng nhất của PVP kể từ ngày đầu thành lập. PVP hiện là nhà cung cấp duy nhất vận chuyển toàn bộ dầu thô đầu vào từ mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác tại Việt Nam về nhà máy lọc dầu Dung Quất với khối lượng từ 5,0-7,0 triệu tấn/năm.
Số chuyến tàu thực hiện từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đến hiện tại là hơn 700 chuyến vận chuyển dầu thô (tương đương khoảng 50 triệu tấn), đáp ứng kịp thời, tuyệt đối an toàn cho nhu cầu sản xuất của nhà máy Dung Quất.
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2018, PVP chính thức bắt đầu tham gia vận chuyển dầu thô cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bằng tàu VLCC (Very Large Crude Carrier) tuyến từ Kuwait về nhà máy Nghi Sơn với khối lượng bình quân khoảng 270,000 tấn/chuyến.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, PVP ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 533 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 176 tỷ đồng, tăng 372% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý III/2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ là do hoạt động thương mại và lợi nhuận từ việc thanh lý tàu PVT Athena. Ngoài ra, các yếu tố chênh lệch tỷ giá, trích trước chi phí sửa chữa lớn đội tàu trong 9 tháng năm 2022 cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PVP ghi nhận doanh thu đạt hơn 961 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ.
>>>Doanh nghiệp và cổ phiếu ngành dầu khí: Một chu kỳ mới sắp bắt đầu
Tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng tài sản của PVP đạt hơn 2.612 tỷ đồng, tăng 13,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 70,4%, đạt hơn 661 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 44%, lên hơn 656 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến thời điểm này của doanh nghiệp là hơn 970 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng 71%. Riêng vay nợ ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 206 tỷ đồng và hơn 253 tỷ đồng.
Tại báo cáo ngành dầu khí mới đây, VNDirect kỳ vọng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới do các lệnh cấm vận sắp có hiệu lực của EU đối với Nga. Từ đó, nhóm vận tải xăng dầu sẽ được hưởng lợi.
Theo VNDirect, để đáp lại việc Nga tấn công Ukraine, EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga. Theo lệnh trừng phạt mới nhất, hầu hết nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ qua đường biển từ Nga vào EU sẽ bị cấm từ cuối năm 2022. Do đó, EU phải chuyển sang các nguồn cung dầu khác, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Đông, khiến dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu bị đảo lộn.
Theo ước tính của Bloomberg, lượng dầu từ Trung Đông đến châu Âu trong tháng 7 đã cao hơn 90% so với tháng 1. Ở chiều ngược lại, Nga đang chuyển hướng xuất khẩu sang các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
VNDirect cho rằng, nhu cầu đối với tàu chở dầu thô và nhiên liệu tăng lên kể từ khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, với việc là một nguồn thay thế khả thi cho khí trong sản xuất điện, VNDirect cho rằng, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tăng tốc trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, việc chuyển hướng của dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến các chuyến đi dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu xăng dầu toàn cầu. Do đó, VNDirect kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới, mang lại lợi ích cho các đơn vị vận tải dầu khí như PVT, GSP và PVP.
Có thể bạn quan tâm
Thêm cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
05:00, 28/12/2022
Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam (PPC): Kiến tạo những giá trị độc đáo
23:09, 27/12/2022
Doanh nghiệp và cổ phiếu ngành dầu khí: Một chu kỳ mới sắp bắt đầu
16:13, 24/12/2022
Bị phạt do kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hạn, CMV kinh doanh ra sao?
14:00, 21/12/2022
4 yếu tố giúp các doanh nghiệp phân phối Dầu khí phục hồi mạnh mẽ
03:00, 20/12/2022