Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) sẽ đươc xây dựng tại Tây Nguyên và Quảng Trị để tận dụng thế mạnh về cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều...
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Sembcorp, ông Neil McGregor - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư vào Việt Nam với 9 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Sembcorp về những thành công trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là mô hình VSIP. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam-Singapore trong những năm qua.
Thủ tướng mong muốn tập đoàn đẩy nhanh các dự án VSIP sắp tới ở Tây Nam Bộ để tận dụng lợi thế sẵn có của một khu vực đông đảo người lao động, với 20 triệu dân, là địa phương giàu tiềm năng phát triển của Việt Nam. Cùng với đó là nghiên cứu mở một khu VSIP tại Tây Nguyên. “Tây Nguyên là khu vực có thế mạnh về cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều... rất cần có nhà đầu tư triển khai công nghiệp chế biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tán thành với đề xuất của Thủ tướng về việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông ông Neil McGregor cho biết, Tập đoàn đã khảo sát một số địa điểm mới tại Việt Nam để mở thêm các khu VSIP, trong đó có khu vực Tây Nguyên và Quảng Trị.
Cùng với đó là đưa ra các giải pháp để nâng cao giá trị cho các khu VSIP, hướng tới công nghệ thân thiện môi trường. Tập đoàn cũng đang xúc tiến đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và đã làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam để triển khai các dự án này.
Có thể bạn quan tâm
16:30, 13/11/2018
01:00, 13/11/2018
11:49, 12/11/2018
04:01, 12/11/2018
Các Khu VSIP do Tập đoàn Sembcorp đầu tư tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác kinh tế thành công và cùng có lợi giữa Việt Nam và Singapore. Các dự án này đã tạo hơn 220.000 việc làm, phát triển nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, sản xuất…, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nhiều địa phương.
Được biết, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 2.000 dự án, tống trị giá hơn 45 tỷ USD.
Đây cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trên toàn thế giới. Và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore.
Trong 30 năm đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Đầu tư Singapore trải dài trên các lĩnh vực từ khai thác dầu, sản xuất công nghiệp đến chế biến nông, lâm, thủy sản vầ nổi bật nhất là lĩnh vực bất động sản và hạ tầng. Nói như ông Norman Lim- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh: “Dòng vốn đầu tư từ Singapore giúp tạo thêm việc làm, tăng cường sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.”
Có được thành công này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Sembcorp khẳng định: "Tập đoàn hoạt động rất thành công tại Việt Nam là nhờ có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam”.
Trong khi đó, năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt trên 6,7%, trong đó có sự đóng góp tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài. “Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Việt Nam ngày càng có nhu cầu lớn về sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam, trong đó có điện gió và điện mặt trời, bởi đây là thế mạnh và là tiềm năng lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng cần nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, phát triển các cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi... là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Ở góc độ Chuyên gia, ông Norman Lim đánh giá, dòng vốn đầu tư từ Singapore sẽ tiếp tục đố vào Việt Nam. Cùng với các tập đoàn lớn, còn có những doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Singapore tham gia thị trường Việt Nam.
Theo Vị chuyên gia này, khi Chính phủ Singapore kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này nhìn sang các nước xung quanh và nhận thấy Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn. “Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore đang hoạt động trong ngành dịch vụ như luật và kế toán. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore cũng đem ẩm thực Singapore quảng bá tại Việt Nam bằng cách mở các nhà hàng nhượng quyền”, ông Norman Lim nhấn mạnh.
Dòng vốn đầu tư Singapore cũng còn được kỳ vọng trong lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử. Grab có trụ sở tại Singapore đang tăng cường mở rộng tại thị trường Việt Nam, ngoài dịch vụ gọi xe. Các công ty thương mại Singapore như Shopee và Lazada cũng đang tăng cường hoạt động tại Việt Nam để khai thác thị trường vô cùng tiềm năng này.
“Việt Nam hội đủ các yếu tố cho thương mại điện tử phát triển như dân số trẻ, mức độ thâm nhập Internet và sự phổ biến của smartphone. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam rất rành công nghệ, nên việc mua sắm trên mạng đã trở thành hoạt động thường ngày”, ông Norman Lim đánh giá.