Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia vươn tầm quốc tế.
Cụ thể hóa nghị quyết đại hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa đã tập trung phát triển ngành kinh tế trọng điểm là du lịch - dịch vụ, gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Nhờ đó, trong những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19, thiên tai nhưng ngành du lịch tại thị xã Sa Pa vẫn có sự phát triển nhanh và bền vững. Đến hết tháng 10/2024, tổng lượt khách du lịch đến thị xã Sa Pa đạt hơn 3,7/4,5 triệu lượt, bằng 83% kế hoạch giao, tăng 686.364 lượt so với năm 2020; tổng thu từ dịch vụ, du lịch đạt hơn 13.200/15.500 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch giao.
Theo Quyết định số 1845/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030, Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa có 8 phân khu (03 phân khu thuộc huyện Bát Xát và 05 phân khu thuộc huyện Sa Pa - nay là thị xã Sa Pa). Trong số 8 phân khu này thì khu vực Y Tý đã xong quy hoạch.
Trong định hướng phát triển, Sa Pa đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, chất lượng và phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng số lượng khách sạn 5 sao, 4 sao trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Song song với đó, thị xã cũng đang quan tâm phát triển các cơ sở lưu trú tại gia như homestay nhằm phân phối lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập bền vững cho người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế và những người ưa khám phá và trải nghiệm văn hóa.
Về hạ tầng giao thông đô thị, bên cạnh nguồn vốn của nhà nước đầu tư nâng cấp cải tạo giao thông và cảnh quan, Sa Pa tiếp tục được đầu tư bằng các nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Hiện bộ mặt khu vực trung tâm Sa Pa đã đổi khác với thảm bê tông nhựa và được đầu tư chỉnh trang đô thị, mang lại vẻ đẹp mới.
Hiện Sa Pa đang nỗ lực thực hiện các chương trình dự án, đề án để bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa của các dân tộc phục vụ du lịch theo phương châm "Biến di sản thành tài sản." Cụ thể, thị xã sẽ đầu tư 5 điểm du lịch đạt chuẩn Du lịch Cộng đồng ASEAN gắn với bản sắc văn hóa của 5 dân tộc thiểu số tại Sa Pa như Tả Van - gắn với văn hóa dân tộc Giáy, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó.
Thị xã cũng đang hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị thổ cẩm các dân tộc thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch; khai thác các lễ hội nghệ thuật biểu diễn dân gian và ẩm thực thành sản phẩm phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách. Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2030.