Hàng loạt ô tô bị “chết đuối” trong bão lũ, có thể gia nhập, "bổ sung thêm nguồn cung" cho thị trường xe cũ. Thật cẩn thận để tránh mua phải những chiếc xe này.
Sau khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) quét qua, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng, qua đã gây ra lũ lụt tại miền Bắc. Nhiều khu vực bị ngập úng nghiêm trọng gây thiệt hại cả về người và tài sản. Tại một số nơi, hàng loạt xe ô tô bị chìm trong nước.
Xe bị ngâm nhiều giờ trong nước, nước sẽ tràn vào bên trong, ảnh hưởng tới toàn bộ nội thất. Từ động cơ cho đến hệ thống điện, các linh kiện điện tử cho đến hộp số… đều bị thiệt hại. Nước có thể lọt qua hút gió, xâm nhập vào trong các xylanh, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó. Với ô tô hiện đại, sử dụng mạch điện, thiết bị điện tử rất nhiều, khi bị nước xâm nhập vào những bộ phận này sẽ hư hỏng, oxi hóa…
Xe bị ngâm nước, khiến động cơ vận hành không êm ái, ngốn xăng; có thể gây chập cháy từ hệ thống điện; làm hỏng các thiết bị điện tử, khiến hệ thống đèn, hệ thống giải trí, ghế điện… bị tê liệt hoặc hoạt động không chính xác.
Nếu những xe này đã mua bảo hiểm vật chất, chủ xe sẽ được đơn vị bảo hiểm đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, đền bù ở đây chỉ là chi phí sửa chữa, khắc phục, sau khi đã đánh giá thiệt hại của chiếc xe. Nếu không có bảo hiểm thì chủ nhân sẽ phải chi tiền túi để khắc phục. Tùy từng xe nhưng số tiền chi cho sửa chữa là rất lớn. Tuy nhiên, cho dù có được sửa chữa, khắc phục, thậm chí thay mới nhiều linh kiện thì những chiếc xe này cũng khó hoạt động bình thường như trước.
Một chủ cửa hàng bán ô tô đã qua sử dụng trên phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết, sau mưa lũ, ô tô bị ngập nước hầu hết đều được chủ nhân rao bán. Có xe đã được sửa chữa, khắc phục qua loa, có xe cứ để nguyên như vậy mà bán. Những xe bị ngập nước thường được các cửa hàng hoặc gara mua với giá rất rẻ. Xe mua về được tháo dỡ hết các bộ phận ra để sửa chữa, khắc phục lại, rồi xóa dấu vết và bán như không có vấn đề gì. Người mua không tinh tường rất khó phát hiện.
Một số người cố tình bán những chiếc ô tô này để kiếm lời. Nhìn bên ngoài, chiếc xe đó có vẻ không hư hại gì nhưng thực chất bên trong có nhiều vấn đề. Nó không xảy ra ngay lập tức mà sau vài tháng, thậm chí cả năm mới “phát bệnh”.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sửa chữa ô tô QĐ 361 (Hà Nội) cho biết, mua phải những chiếc xe này về sử dụng sẽ rất bất an. Để tránh mua phải xe ngập nước do bão lũ, cần xem xét kỹ những vấn đề sau:
Với xe bị ngập, thường có mùi ẩm mốc đặc trưng, không dễ để xử lý hết những mùi này. Vì vậy, cần xem xét nội thất và đánh giá chính xác mùi của xe do đâu. Các cửa hàng sẽ dùng hương thơm để át đi, nếu xe có mùi hương khác lạ phải cảnh giác.
Kéo hết dây an toàn lên kiểm tra. Thường thì thợ xe hay bỏ quên chỗ này khi làm sạch xe. Nếu thấy phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.
Kiểm tra đèn của xe, nhất là cụm đèn pha và đèn hậu. Do có giá đắt, nên ít người thay mới. Vì vậy, đây là điểm khó xóa dấu vết nhất của chiếc xe đã từng bị ngập nước. Kiểm tra cẩn thận cụm đèn trước và sau xe, nếu đèn có dấu hiệu bị cậy ra để lau chùi, hoặc mờ thì chứng tỏ nó đã bị vào nước.
Kiểm tra ở cốp xe, các con ốc vít ở những vị trí kín. Nếu thấy có dấu hiệu han rỉ thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước. Kiểm tra gầm xe xem có dấu hiệu bị ăn mòn không? Kiểm tra các vị trí tiếp giáp giữa cao su và vỏ xe, lật cao su ra xem, có bị bong tróc không, đây đều là những dấu hiệu cảnh báo nhiều khả năng xe đã bị ngập nước.
Khởi động xe và chú ý đến những điểm sau: âm thanh của động cơ có khác lạ? Có mùi lạ khi xe khởi động không? Kiểm tra đèn ở bảng điều khiển, đèn chiếu sáng, đèn xi nhan… Bật cần gạt nước mưa xem chúng có hoạt động bình thường không? Nghe thử đầu đĩa, đài phát thanh xem có hiện tượng rè, nhiễu không? Thấy một bộ loa mới cứng, cũng là một dấu hiệu nghi ngờ, có thể đã bị thay thế do xe bị ngập nước.
Mở nắp capo và chú ý vào bộ ốc vít trên động cơ, các giắc cắm, các đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, dây điện… xem đã bị tháo ra chưa. Vì khi lắp vào bao giờ cũng sẽ vẫn còn vết dầu mỡ trên đó, hoặc thợ đã lau chùi thật cẩn thận nhưng vẫn còn "vết tích".
Nếu không đủ kinh nghiệm, tốt nhất nên mang xe đến gara có uy tín và đủ thiết bị để kiểm tra cho chính xác. Đừng ham rẻ mà mua những chiếc xe này về vừa bất an vừa tốn tiền sửa chữa mà không bao giờ hết trục trặc, ông Tuấn Anh nói.