Sự tụt dốc của CTCP Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD) không chỉ đến từ áp lực cạnh tranh gay gắt, mà còn do Sabeco - cổ đông lớn của SCD, chậm phê duyệt xây dựng nhà máy mới.
Báo cáo tài chính quý I/2018 của SCD tiếp tục ghi nhận khoản lỗ nhẹ (hơn 411 triệu đồng) sau khi lỗ cả năm 2017. Nguyên nhân do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn mức lợi nhuận gộp thu được. Đồng thời, doanh thu quý này cũng giảm đến 25% so với cùng kỳ.
Mùa cao điểm cũng lỗ
Hoạt động kinh doanh của SCD xuống dốc rõ nhất vào quý IV/2017, dù đây là mùa cao điểm bán hàng của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống. Doanh thu quý IV/2017 của SCD giảm đến một nửa so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ liên tiếp hai quý liền. Dù đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động nhưng sản phẩm ngày càng khó bán.
Ban lãnh đạo Cty thừa nhận, sức ép cạnh tranh khiến SCD ngày càng “khó thở”. Các hãng nước giải khát nước ngoài luôn cạnh tranh bằng cách giảm giá bán, khiến khách hàng không chấp nhận giá tăng so với mặt hàng tương ứng của đối thủ. Để ứng phó và tồn tại, SCD đã phải giảm giá bán liên tục, như trong năm 2016 là 4,5%, khiến biên lợi nhuận gộp ngày càng thu hẹp.
222 tỷ đồng là tổng tài sản của CTCP Nước giải khát Chương Dương tính đến cuối quý I/2018, giảm 7,5% so với đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, hệ thống bán hàng của Cty cũng thiếu hiệu quả. SCD vẫn đang tập trung bán hàng cho một số nhà phân phối lớn trong khi việc phát triển mạng lưới điểm bán chưa hiệu quả. Điều này có thể giúp SCD đạt chỉ tiêu doanh số trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, không giúp Cty phát triển được thị trường. Số lượng nhân viên bán hàng của SCD tăng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.
Dù thấy được các điểm yếu của mình, nhưng SCD vẫn chưa thể mở rộng mạng lưới trong những năm gần đây. Hiện Cty chỉ có hơn 400 đại lý và vài ngàn điểm bán cấp 1, 2 tập trung ở khu vực miền Nam là TP.HCM, Bình Dương và Long An. Điều này cho thấy quy mô và phạm vi hoạt động của SCD khá nhỏ. Ngoài hoạt động quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng ít ỏi, hình ảnh sá xị Chương Dương nổi tiếng miền Nam một thời cũng rất ít góp mặt tại các khu vực hội chợ triển lãm hay các cuộc vận động sử dụng hàng Việt Nam.
Lực bất tòng tâm
SCD tiền thân là nhà máy USINE BELGIQUE trực thuộc tập đoàn B.G.I (Pháp). Từ khi thành lập năm 1952 đến trước năm 1975, SCD là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Cty đã không thể tận dụng được những lợi thế sẵn có để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở hệ thống công nghệ cũ kĩ. Nhà máy Chương Dương vẫn đang sử dụng công nghệ cũ từ năm 1975 và một số dây chuyền hiện đại nhất cũng có từ năm 2000. Vì vậy để cải tiến chất lượng sản phẩm và gia tăng danh mục sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng là vấn đề nan giải. Hiện Cty có chưa đến 10 dòng sản phẩm sá xị và nước trái cây.
SCD đã có ý định xây nhà máy mới từ năm 2014, thế nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vướng mắc nằm ở cổ đông lớn là Sabeco. Hiện Sabeco nắm đến 62% cổ phần SCD. Cty cho biết, nếu muốn đầu tư máy móc thiết bị phải làm theo quy trình, xin chủ trương và được Sabeco phê duyệt thì mới thực hiện được.
Việc chậm trễ trong định hướng phát triển Cty con của Sabeco đã khiến SCD thiệt hại đáng kể. Với mong muốn mở rộng danh mục sản phẩm sang nước giải khát không gaz, năm 2016, SCD đưa sản phẩm trà xanh ra thị trường. Thế nhưng, vướng mắc chưa có nhà máy buộc Cty phải gia công. Áp lực chi phí gia công khá cao, không đạt được lợi nhuận nên Cty đã gác lại chiến lược này và chờ xây nhà máy mới.
Sự tụt dốc của SCD không chỉ đến từ áp lực cạnh tranh gay gắt, mà còn đến từ cổ đông lớn Sabeco. Dù các lãnh đạo chủ chốt của SCD đều xấp xỉ 60 tuổi nhưng vẫn nhìn thấy được sự thay đổi của xu hướng thị trường và tìm cách thích ứng. Đó là xu hướng sử dụng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nước uống không gaz và trái cây được tiêu thụ nhiều hơn các loại thức uống khác. SCD cũng cố gắng tự phát triển bằng cách gia công. Nhưng chính vì chờ Sabeco duyệt xây nhà máy quá lâu khiến SCD đang lún sâu vào thua lỗ.
Cơ hội hồi sinh? Doanh nghiệp khi rơi vào giai đoạn khó khăn thường đi theo hai con đường, hoặc phá sản hoặc khắc phục để vực dậy doanh nghiệp. SCD chưa đến mức phải phá sản. Hơn nữa, Cty còn nhiều yếu tố để các cổ đông có quyền hy vọng khả năng hồi sinh. Sản phẩm của SCD được khách hàng đánh giá tốt và thương hiệu vẫn được biết đến rộng rãi trong khu vực miền Nam. Cty cũng chưa từng dính đến bê bối nào về làm ăn gian dối, hay thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, theo các chuyên gia, SCD vẫn có khả năng phát triển trở lại. Vấn đề đầu tiên phải cải tổ lại hệ thống bán hàng và phát triển kênh phân phối. Việc này không hẳn khó với SCD vì Cty đã có định hướng từ 2 năm gần đây. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hoạt động marketing là điều không dễ, bởi vốn của SCD khá nhỏ, lợi nhuận hàng năm cũng khá thấp so với doanh thu. Trong khi đó, nguồn lợi nhuận ít ỏi hàng năm đều đem ra chia cổ tức cho cổ đông gần hết. Nguồn tiền để tái đầu tư nếu cần sẽ phải đi vay. Điều này phần nào tạo thêm áp lực lên gánh nặng chi phí hàng năm của SCD. Cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) đã mua gần 54% cổ phần Sabeco và cử người vào hội đồng quản trị từ đầu tháng 5/2018. Điều này có thể sẽ giúp kế hoạch xây nhà máy của SCD sẽ được phê duyệt nhanh khi ThaiBev tái cấu trúc các Cty con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc SCD của ThaiBev trong ngắn hạn vẫn là điều chưa thể chắc chắn. Bởi họ còn đang làm quen với hoạt động của Sabeco và tính đường thu lợi từ lợi thế chi phối tại đây. Ngoài ra, qua thương vụ của tỷ phú Thái Lan khác là Chirathivat mua Nguyễn Kim qua Tập đoàn Central Group, có thể thấy việc tái cấu trúc của họ là khá chậm. Việc tiếp quản Cty mới và đưa hàng Thái vào hệ thống cùng các hoạt động liên quan sẽ tốn rất nhiều thời gian. Do đó, trong khoảng 1-2 năm tới, SCD vẫn phải tự lo cho mình là chính. |