“Nếu để giáo dục, y tế “tự chủ” hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại lễ khai khóa 2019 và làm việc với Ban lãnh đạo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM), diễn ra ngày 5/10.
Có thể bạn quan tâm
16:26, 03/10/2019
12:47, 27/09/2019
01:23, 01/09/2019
07:23, 15/11/2018
15:20, 06/11/2018
20:00, 18/07/2018
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa to lớn đối với ngành giáo dục và đào tạo trong việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 và Luật Giáo dục 2019 nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Chia sẻ về chủ đề “Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo”, một xu hướng tất yếu ở các quốc gia trên thế giới và cũng như ở Việt Nam hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia.
Theo lý giải của Phó Thủ tướng, nếu để giáo dục, y tế “tự chủ” hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này. Đi liền với đó trách nhiệm giải trình của cơ sở tự chủ chưa tương xứng với mức độ tự chủ sẽ gây ra tình trạng tham nhũng, thất thoát.
Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục đại học (GDĐH) toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát.
Ngay cả trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đồng thời, ngay trong mô hình độc lập thì vẫn có những “mặc định ngầm” về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình đối với các cơ sở GDĐH.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.
Tại Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước, quá trình thực hiện tự chủ đại học từng bước được thử nghiệm, theo từng lĩnh vực, từ thấp đến cao, toàn diện, từ tự chủ tài chính tới tự chủ trong học thuật, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH 2018 có 3 quan điểm mới, đáng chú ý về đổi mới, nâng cao tự chủ đại học gồm trao quyền hạn rất lớn cho đại học, trường đại học tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính. Luật cũng quy định nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Đổi mới quản trị đại học, tăng cường vai trò của Hội đồng trường. Nhà nước thực hiện chiến lược, đặt ra quy định, quy trình, thực hiện giám sát, kiểm tra và không điều hành.
Đến nay, kết quả thực hiện tự chủ đại học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số trường mở ngành mới và quy mô của ngành ngày càng tăng. Số lượng nghiên cứu khoa học tăng lên nhiều, bình quân mỗi năm 500 đề tài và tăng gấp 3 lần hội thảo khoa học quốc tế với 120 hội thảo/năm/trường tự chủ. Cơ cấu lao động của trường tự chủ cũng thay đổi tích cực theo hướng tăng giảng viên, giảm lao động gián tiếp. Giảng viên chính, số lượng giáo sư, phó giáo sư ở trường tự chủ tăng nhanh, đạt 9,2%/năm so với trường không tự chủ với mức tăng chỉ 3,2%/năm,…
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định quy định cụ thể về tự chủ tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự… Đại học và cơ sở đại học sẽ chủ động trả lương cho giảng viên, các chuyên gia theo vị trí việc làm và theo cơ chế của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ sẽ đặt ra vấn đề hình thành doanh nghiệp trong trường đại học để góp phần phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tăng cường các nguồn thu hợp pháp cho nhà trường.
Với các đại học và trường đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị bên cạnh các nguồn thu truyền thống, cần có kế hoạch huy động nguồn lực đóng góp về trí tuệ và tài chính từ hội cựu giáo chức, cựu sinh viên, các doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ phát triển giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại nhà trường.
Sau lễ khai khóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của ĐHQG TPHCM để lắng nghe các kiến nghị nâng cao tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ĐHQG TPHCM rà soát quy định của pháp luật, lập và trình Chính phủ xem xét Đề án về tự chủ cho các trường thành viên theo hai loại: Bảo đảm được chi thường xuyên và bảo đảm một phần chi thường xuyên, bảo đảm không trái quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở GDĐH công lập.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất đại học được vay vốn ngân hàng khi dự án đầu tư được ngân hàng thẩm định và chấp nhận cho vay. Phó Thủ tướng nhắc Bộ Tài chính lưu ý nội dung này trong sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bảo đảm nhu cầu thực tế, khách quan của các đơn vị, tổ chức liên quan chứ không chỉ căn cứ hoàn toàn vào mức độ tự chủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét bố trí bổ sung ngân sách theo kế hoạch để tiếp tục phát triển ĐHQG TPHCM; ĐHQG-TPHCM củng cố Hội đồng ĐHQG TPHCM và Hội đồng các trường thành viên bảo đảm quyền và nghĩa vụ thực chất theo Luật mới.