Các tỉnh thành phố đang triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng, sống chung và hòa nhập với dịch bệnh. Phải chăng, đây là tín hiệu đáng mừng của quá trình trở lại trạng thái bình thường mới?
Mới đây, gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát đi thông điệp rằng phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược chứ không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được.
Tiếp nối với thông điệp này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm và cần có “giấy thông hành vaccine” cho những đối tượng này.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nên có hình thức riêng cho người tiêm đủ mũi bởi người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn.
Hiện các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội thì áp dụng tất cả như nhau, người tiêm đủ mũi rồi cũng vẫn phải ngồi nhà nếu không có giấy đi đường, lịch trực... "Theo tôi, người đã tiêm đủ mũi vaccine và áp dụng 5K có thể đi làm/buôn bán/học tập trở lại" - ông Nga đề xuất.
Đến ngày 5-9 có trên 21,52 triệu liều vaccine đã được sử dụng, trong số này có trên 2,73 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Con số này sẽ tăng lên nhanh chóng khi Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các tỉnh thành triển khai tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 và đến lịch tiêm chủng.
Hiện nay mới có một số cơ sở tiêm chủng ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin người tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử, còn nhiều cơ sở chỉ cấp chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng.
"Nếu thông tin hoàn thành tiêm chủng có trên sổ sức khỏe điện tử thì có thể kiểm tra dễ dàng, còn nếu mới có chứng nhận thì người đã tiêm đủ mũi có thể cầm theo giấy chứng nhận khi tham gia giao thông" - ông Nga đề xuất.
Với người đã tiêm 1 mũi, ông Nga cho rằng cơ hội được bảo vệ là 40-50%, thời điểm hiện nay các tỉnh thành đang đẩy nhanh lịch tiêm mũi 2. "Đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi, như là một "hộ chiếu vaccine" sớm trước khi đạt tiêm chủng toàn dân" - ông Nga nói.
Đồng quan điểm trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1- TP HCM) chia sẻ: Tỷ lệ tiêm chủng đã đạt được tỷ lệ nhất định, số người tự khỏi đã đạt được tỷ lệ nhất định thì nên thực hiện hoà nhập từng phần, gỡ bỏ dần bằng hình thức “đi ngược” dần với cách phong tỏa, chỉ thị “nhỏ dần”. Đã đến lúc hòa nhập với dịch bệnh theo từng khu vực, từng đối tượng, từng ngành nghề.
"Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn cụ thể, phân tích nguy cơ theo từng đối tượng, bao gồm: Đối tượng đã tiêm đủ 2 liều vaccine, đối tượng đã mắc bệnh và hết khả năng lây lan và đối tượng đã tiêm một liều vaccine hoặc chưa tiêm vaccine mũi nào. Đặc biệt, phải mở rộng tiêm chủng càng nhanh càng tốt để tất cả đối tượng đều đạt 2 liều vaccin để họ hoà nhập, sinh hoạt và làm việc cùng cộng đồng.Nếu tất cả người nguy cơ được bảo vệ, họ bệnh mà không nặng, không tử vong thì bệnh Covid chẳng còn gì đáng ngại." - Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex, cho biết thêm: "Trong buổi tập huấn trực tuyến với các bệnh viện Hà Nội về điều trị COVID, được biết Hà Nội cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine diện rộng. Thật là điều đáng mừng! Bình Dương đã cố gắng nhưng mới chỉ gần đạt chỉ tiêu 200 nghìn mũi tiêm / ngày. Tất cả các loại vaccine đã được tổ chức y tế thế giới thông qua được phép sử dụng đều đạt tính an toàn, còn về hiệu quả rõ ràng vaccine sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng và bệnh tăng nặng. Thực tế chưa có bệnh nhân nào được tiêm đủ 2 mũi phải nhập ICU của chúng tôi. Hơn nữa với “giấy thông hành” vaccine chúng ta sẽ được trở lại sinh hoạt và làm việc trong trạng thái bình thường mới."
Số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây ở Bình Dương có xu hướng giảm. Địa phương này đang triển khai song song với việc xét nghiệm diện rộng tiến hành tiêm vaccine cho người dân. Bình Dương quyết tâm tiêm 100% cho đối tượng thuộc diện ưu tiên được tiêm vaccine từ 18 tuổi trở lên. Bình Dương đang nỗ lực với quyết tâm đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang dự thảo Kế hoạch phục hồi kinh tế do tác động Covid-19, trong đó dự kiến cấp “Giấy thông hành vaccine” điện tử thay thế Giấy đi đường như hiện nay.
Cụ thể, theo dự thảo Kế hoạch, UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ban hành “giấy thông hành vaccine” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn.
Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có "giấy thông hành vaccine" thay cho các hình thức quản lý khác như Giấy đi đường, Khai báo di biến động dân cư, Kết quả xét nghiệm âm tính...
Điều kiện cấp Giấy thông hành vaccine
Một cá nhân được cấp giấy thông hành vaccine khi đáp ứng được một trong các điều kiện dưới đây:
- Sau hai tuần kể từ thời điểm tiêm mũi vaccine thứ 2;
- Đã nhiễm SARS-COV-2 và tiêm một mũi vaccine sau hai tuần.
Bên cạnh đó, một cá nhân tuy chưa được cấp giấy thông hành vaccine nhưng vẫn có thể được tham gia các hoạt động tương tự như người có giấy thông hành vaccine nếu đáp ứng được một trong các điều kiện dưới đây:
- Đã tiêm một mũi vaccine sau bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ;
- Đã nhiễm SARS-COV-2 sau bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ.
Chắc chắn rằng, việc triển khai tiêm vaccine diện rộng trên khắp các tỉnh thành, sớm áp dụng "Giấy thông hành vaccine" sẽ đem đến nhiều hy vọng "mở cửa" lại kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới cho người dân toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
08:07, 05/09/2021
11:15, 04/09/2021
11:00, 03/09/2021
11:09, 03/09/2021
02:51, 05/09/2021