Hội đồng này, ngoài đại diện các nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền mỗi địa phương sẽ còn có đại diện của doanh nghiệp 14 tỉnh thành.
Thiếu chiến lược phân vùng và liên kết du lịch
TP HCM có những lợi thế trong kết nối du lịch vùng, là địa bàn hoạt động của 1.200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Độ dài bình quân một chuyến đi của khách du lịch đến Việt Nam là 12,07 ngày, trong đó thời gian lưu trú bình quân tại TP là 4,98 ngày. Năm 2018, khách quốc tế đến TP là 7,5 triệu lượt. Nếu 2/3 số lượt khách này lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP và ĐBSCL, kéo dài độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân... sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, ĐBSCL đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch, quy hoạch hạ tầng các điểm đến gắn với cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư, tạo ra một chuỗi du lịch đa dạng toàn vùng.
Tại Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL, diễn ra ngày 5/9, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất sẽ thành lập một hội đồng phát triển du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM nhằm tăng cường hợp tác liên kết phát triển bền vững du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Trong hội đồng này, ngoài đại diện các nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền mỗi địa phương sẽ còn có đại diện của doanh nghiệp 14 tỉnh thành. Các doanh nghiệp này sẽ đề xuất giải pháp, xác định cái gì tự làm được và sẽ bàn cần hỗ trợ gì từ chính quyền, cùng thảo luận hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Theo ông Nhân, TP.HCM có hơn 1.200 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, đây chính là đòn bẩy để đón được hàng triệu lượt khách đến thành phố. Do đó, theo Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân, việc xây dựng một chương trình hợp tác và để thực hiện được thì vai trò liên kết của các doanh nghiệp rất quan trọng, các doanh nghiệp cũng nên tham gia hội đồng này để đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp.
Ông Nhân cũng cho rằng, để thúc đẩy du lịch toàn vùng, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần có giải pháp rà soát lại các di tích, di sản văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia ở khu vực ĐBSCL.
Hiện khu vực này có rất nhiều di tích lịch sử, chỉ cần mỗi tỉnh thành có 8 di tích được công nhận thì toàn vùng đã có 100 di tích lịch sử cùng hỗ trợ phát triển du lịch. Với quyết tâm này, trong 5 năm đã có thể chuẩn hóa 100 di tích lịch sử văn hóa, địa điểm du lịch gắn điểm đến du lịch.
"Thế giới nhớ đến một khu vực Mekong du lịch sông nước, văn hóa... dễ hơn là nhớ từng tên của mỗi tỉnh thành. Trong xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ thương hiệu vùng trước", ông Nhân đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
19:30, 05/09/2019
13:41, 26/08/2019
17:04, 16/08/2019
00:01, 28/07/2019
10:12, 19/07/2019
17:39, 18/07/2019
17:46, 16/07/2019
13:00, 16/07/2019
Áp dụng công nghệ để tăng cường kết nối
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đầu mối giao lưu nhiều mặt rất quan trọng của khu vực. Nơi đây đã ra đời rất nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay, đóng góp vào quá trình đổi mới của đất nước. Vùng ĐBSCL trù phú, có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch sông nước và đặc biệt có những nét văn hoá, di sản rất riêng có. Người dân rất can trường, thuần phác, sáng tạo nhưng cũng rất tinh tế.
"Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, tăng cường giao lưu giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới. Vì vậy, để du lịch phát triển cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, các doanh nghiệp và toàn xã hội về cả tiền bạc, thời gian lẫn tâm sức.
Từ quảng bá, xúc tiến đến thủ tục xuất nhập cảnh, di chuyển, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực và cả môi trường văn hoá xã hội, kết hợp với việc vận động xây dựng môi trường, nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới để tránh những điều du khách trong nước và quốc tế vẫn than phiền, sợ hãi". - Phó Thủ tướng nói.
Theo đó, trong nhiều việc phải làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kết nối liên vùng, liên ngành, phát huy các di sản văn hoá, con người để tạo nên chuỗi sản phẩm, điểm đến du lịch đa dạng. “Cũng như mỗi món ăn có hương vị khác nhưng một bữa ăn phải gồm nhiều món”, Phó Thủ tướng ví von.
“Chúng ta phải tận dụng xu thế công nghệ mới để tăng cường kết nối, làm du lịch thông minh. Làm sao chỉ bằng điện thoại di động, du khách có thể đăng ký, đặt vé, đặt khách sạn, chọn tour du lịch…”, Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao những bước chuẩn bị của TPHCM và 13 tỉnh-thành ĐBSCL để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm này.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể đối với những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch thời gian tới. Đơn cử, ngành du lịch đã có đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh. Đặc biệt Bộ KH&CN đang chủ trì đề án Hệ tri thức Việt số hoá với một trong những lĩnh vực ứng dụng ưu tiên là du lịch như lập bản đồ, số hoá các di sản văn hoá quốc gia…
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến thành lập hội đồng phát triển du lịch của TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, trong đó kết nối đầu tiên chính là xây dựng thương hiệu du lịch chung cho vùng ĐBSCL để cùng nhau quảng bá, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM, ĐBSCL và cả nước; tăng cường mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa các nước trong lưu vực sông Mekong, ASEAN và quốc tế.