Chính sách - Quy hoạch

Sẽ có thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Diệu Hoa 18/10/2024 17:21

Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó 15.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

diendandoanhnghiep.vn-media-uploaded-500-2024-03-31-_nhaoxahoidn-2-enternews-1710388068.jpeg
Sẽ có thêm nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội. Ảnh: TV

Thông tin được lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024, liên quan tới nội dung tăng ưu đãi cho người mua nhà.

Cụ thể, theo ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, để tăng ưu đãi Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó có 15.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.

Việc đề xuất gói 30.000 tỷ phải phù hợp với pháp luật về ngân sách, tín dụng, đầu tư công. Thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã làm việc bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ xem xét về gói này để triển khai phù hợp.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm, mấu chốt của chính sách phát triển nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi. Tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, vừa hỗ trợ người dân khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện và thời gian thu xếp tài chính để mua được nhà ở xã hội là rất cần thiết.

Trước đó, tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng lấy ý kiến vào cuối tháng 2, cơ quan này đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ khi phát triển phân khúc này. Việc này để có nguồn lực cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hay giới chuyên gia cũng đã có nhiều đề xuất thành lập quỹ, phát hành trái phiếu làm nhà ở xã hội là giải pháp tạo ra nguồn vốn quan trọng song không dễ thực hiện.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận thấy quỹ này rất quan trọng, bởi rất khó để ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất quỹ này nên xuất phát từ Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Tiền từ trái phiếu sẽ đưa vào quỹ, cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp khoảng 3%. Ngân hàng nhờ đó mới có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn được.

"Đây sẽ là giải pháp để tạo ra nguồn vốn quan trọng phát triển nhà ở xã hội, nhưng không dễ để thực hiện" - Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Việc phát hành trái phiếu làm nguồn vốn cho nhà ở xã hội cũng được giới chuyên gia đề xuất học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Tại quốc gia này, hiện nay việc huy động vốn để phát triển nhà ở xã hội chủ yếu thông qua Quỹ nhà ở và Đô thị quốc gia (tiền thân là Quỹ nhà ở quốc gia).

Cụ thể, khoảng 70% vốn của quỹ được huy động từ Trái phiếu nhà ở quốc gia, được nhà nước phát hành bao gồm: Trái phiếu loại 1: Phải mua khi xin giấy phép từ Chính phủ hoặc chính quyền địa phương, hoặc khi hợp đồng được thực hiện với Chính phủ hoặc chính quyền địa phương về xây dựng. Có kỳ hạn 5 năm với lãi suất 2,25%/năm. Trái phiếu loại 2: Phải được mua bởi bất kỳ người mua nhà ở có diện tích chuyên dụng vượt quá 85 m2 được xây dựng trong đất ở công cộng. Kỳ hạn 10 năm, lãi suất 0%/năm.

Nhiều địa phương vẫn gặp khó trong xác nhận thông tin người mua nhà ở xã hội.
Cần đa dạng nguồn vốn cho nhà ở xã hội.

Khoảng 30% vốn được huy động từ tiền gửi tiết kiệm của người dân và các nguồn khác. Người muốn vay tiền từ Quỹ thì bắt buộc phải tham gia gửi tiết kiệm, không bắt buộc với người không có nhu cầu vay.

Chế độ đăng ký mua nhà ở kết hợp tiết kiệm nhà ở như sau: Mức độ ưu tiên 1 : Những người đã giữ tài khoản tiết kiệm đăng ký mua nhà trong 2 năm và gửi tiết kiệm hàng tháng từ 24 lần trở lên. Mức độ ưu tiên 2: Những người đã giữ tài khoản tiết kiệm đăng ký mua nhà trong 6 tháng và gửi tiền tiết kiệm hàng tháng từ 6 lần trở lên.

Quỹ do Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải (Bộ có chức năng nhà ở) quản lý và cho cả người dân cũng như doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, thời hạn 20- 30 năm.

Giới chuyên môn cũng cho rằng cần phát huy các loại hình quỹ để nhà ở xã hội còn không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sẽ có thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO