Phó Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ TN&MT chủ trì, xây dựng quy định liên quan đến dự thảo thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác.
Giải quyết bất cập về giao, cho thuê đất có mặt nước biển tạo động lực phát triển kinh tế biển...
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1282/BTNMT-TCBHĐVN ngày 13/3/2020 báo cáo về dự thảo nghị định quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Phó Thủ tướng đồng ý giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng nghị định quy định về các vấn đề: chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, cho thuê quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản; việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển đã được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh… (theo khoản 5 Điều 46 và khoản 3 Điều 47 Luật Thủy sản năm 2017) theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo xin ý kiến Chính phủ về việc bổ sung nhiệm vụ xây dựng nghị định nêu trên vào Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4.
Được biết, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP để hướng dẫn, quản lý về việc về việc giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển.
Nghị định này đã tạo được hành pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển, từ đó góp phần đẩy mạnh công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển được giao.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 06/03/2020
00:10, 19/02/2020
18:47, 15/01/2020
16:35, 01/11/2019
18:48, 13/09/2019
Theo số liệu tổng kết 4 năm thực thi Nghị định 51 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án phát triển cảng biển, năng lượng gió tại các địa phương như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị giao 11 ha biển để mở rộng luồng hàng hải cho tàu trọng tải lớn vào Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa; Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió trên biển tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu; nhiều cảng biển lớn tại Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa cũng được đề xuất triển khai.
Để giải quyết những bất cập
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, Nghị định này đã lộ rõ nhiều khuyết điểm liên quan đến giao khu vực biển với cho thuê đất có mặt nước ven biển; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; lập hồ sơ đề nghị công nhận việc sử dụng khu vực biển.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn còn e ngại với việc làm hồ sơ xin giao khu vực biển vì tính pháp lý không cao, chưa thể thế chấp vay ngân hàng, giao dịch, góp vốn…; chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hoạt động đặc thù trên biển, khó ngăn chặn, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực tế, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP.
Được biết, dự thảo Nghị định trình thủ tướng hồi tháng 12/2018 gồm 5 chương, 34 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định việc giao, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; công nhận hoạt động sử dụng khu vực biển và phương án giải quyết các tranh chấp về sử dụng khu vực biển...
Đến tháng 7/2019, Nghị định này đã tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung thành 6 Chương và 45 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo trước đó. Dự thảo đã ra soát, lược bỏ số quy định trùng lặp, làm rõ về các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển, lược bỏ một số quy định liên quan đến trách nhiệm các cơ quan thuộc cấp tỉnh Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước theo ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cần làm rõ các nội dung liên quan, đồng bộ quy định thẩm quyền giao khu vực biển với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo Luật đất đai, nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tại các dự án phạm vi bao gồm cả phần diện tích đất và phần khu vực biển trong cùng một dự án.
Vụ Chính sách pháp chế kiến nghị, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cũng sẽ là cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển. Doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần thực hiện hoàn thiện các thủ tục hành chính trên chỉ tại một cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đáng chú ý, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới trường hợp được giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm sau ngày Nghị định số 51/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc được áp dụng xử lý chuyển tiếp, công nhận khu vực biển hay không ở trường hợp này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư. Nhiều địa phương vẫn vận dụng quy định của pháp luật về đất đai để giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển thuộc phạm vi nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện.
Theo tìm hiểu, hiện trên cả nước có 17 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 845 nghìn ha diện tích mặt đất và mặt nước biển. Các địa phương ven biển những năm gần qua đều hút mạnh đầu tư xây dựng và phát triển các cảng biển xuất nhập khẩu, phát triển các khu du lịch ven biển hiện đại,…
Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang phát triển mạnh, trở thành động lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn ở các địa phương giáp biển.