Các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Sao Đỏ cho rằng cần thiết lập các “liên minh” doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp để phát huy sức mạnh, nắm bắt cơ hội mới.
Nhận định về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, tại buổi Toạ đàm “Từ sống sót đến thịnh vượng trong thực tại mới, tương lai mới” do CLB Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng: Sức bật của nền kinh tế hậu đại dịch sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng đứng dậy của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều này không phụ thuộc vào toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ phụ thuộc vào một bộ phận nhất định.
“Để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ. Nhưng, với nguồn lực hữu hạn, cần có sự phân bổ hợp lý. Vậy nhóm doanh nghiệp nào, quy mô lớn hay nhỏ sẽ được chọn lựa? "Cứu doanh nghiệp" nhằm tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới chứ không phải phục hồi doanh nghiệp cũ. Bởi một nguồn lực bỏ ra là nhằm đưa đất nước đi lên, nếu lãng phí vào doanh nghiệp ốm yếu thì sẽ không phù hợp. Lúc này tìm cơ trong nguy và nguy trong cơ để thấy đâu là mấu chốt. Nếu không định hình rõ thì sẽ đánh mất cơ hội lịch sử. Nối lại chuỗi không quan trọng bằng thay chuỗi và tạo ra các chuỗi mới. Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Chính phủ phải định hình một chính ách ưu tiên. Doanh nghiệp được cứu phải đứng dậy được để vực dậy nền kinh tế. Quan trọng hơn, hãy dành một phần đáng kể nguồn lực giúp cho khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó, tạo thêm nguồn lực để thay máu nền kinh tế.”- ông Thiên chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nhân đều cho rằng, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Và chuyển đổi số là yêu cầu sống còn.
Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam: Mỗi doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới cho riêng mình. Nguy cơ lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không theo được cơ hội. Qua đợt dịch vừa rồi, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, chế độ làm việc từ xa không phải là xu thế mà sẽ là lựa chọn. Thay đổi hệ thống quản trị, phương thức làm việc cho năng suất tốt hơn, chi phí ít hơn.
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định: Môi trường kinh doanh đã khác, chữ kí điện tử hợp đồng điện tử dần thay thế phương thức cũ. Chúng tôi đặt mục tiêu trong tương lai 50%- 75% lao động của Tập đoàn sẽ làm việc ở nhà nhưng phải năng suất hơn. Lực lượng trí tuệ nhân tạo và data sẽ thay thế lợi thế lao động và đất đai. Xu hướng liên minh, đồng minh, sử dụng chung nguồn lực phần phối, sản xuất... sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động.
Từ thực tế hoạt động, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết: Có ba yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp phải tập trung thay đổi và thích nghi trong bối cảnh hiện nay: Thứ nhất là quản trị, phải sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả; thứ hai là sản phẩm phải khác biệt; thứ ba là định vị lại thị trường, trong đó chú trọng đến thị trường gần 100 triệu dân trong nước.
Cho rằng dịch COVID- 19 là là xúc tác để các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ chia sẻ: Dù phải đóng 80% cửa hàng vì dịch COVID- 19 trong tháng 4 vừa qua nhưng PNJ vẫn có được 50% doanh số từ thương mại điện tử. Doanh nghiệp phải “tiến hoá” đột biến theo thế bên ngoài và lực bên trong. Theo chu kỳ: dịch bệnh- suy thoái- phục hồi thì chúng ta vấn đang ở trong giai đoạn đầu. Vì vậy phải chuẩn bị nếu tình thế kéo dài. Muốn sống sót phải sáng tạo nhanh hơn. Có những sản phẩm mới thích hợp với thị trường. Chẳng hạn trước đây doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao thì bây giờ phải tạo ra các sản phẩm có giá trị phù hợp với nhu cầu cuả khách hàng
“Tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là ngại đến chỗ đông người. Vì vậy, doanh số ở kênh siêu thị của chúng tôi giảm 50% nhưng lại tăng 50% ở kênh truyền thống. Chúng tôi phải định vị lại, đầu tư vào kênh truyền thống. Đồng thời, thay đổi lại chuỗi sản xuất của doanh nghiệp, bởi tiêu dùng tối thiểu thay đổi khác thường, sản phẩm có giá trị cao tồn kho, sản phẩm bình dân tiêu thụ tốt.”- Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Kangaroo cho biết.
Phần lớn các doanh nhân có mặt tại buổi Toạ đàm đều cho rằng thời điểm này là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tái cấu trúc. Nói như ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I: Thời thế chỉ dành cho anh hùng. Thời thế đến mà không có sự chuẩn bị thì không đón bắt được. Sự kết hợp của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể thiết lập ra một chuỗi cung ứng mới, đây là nhu cầu tự thân chứ không cần thúc ép từ Chính phủ.
Với tinh thần đó, tại Toạ đàm, các thành viên CLB Doanh nhân Sao Đỏ đã ký cam kết hình thành liên minh giữa các doanh nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển mới. “Chúng tôi sẽ ngồi lại và tìm kiếm một mô hình phù hợp để các doanh nhân Sao Đỏ đồng hành cùng nhau trong một liên minh doanh nghiệp, phát triển vững mạnh hơn.”- ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
21:32, 07/05/2020
14:39, 05/05/2020
16:56, 03/04/2019
00:00, 25/12/2012