Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia kinh tế đều đánh giá nhiều tín hiệu lạc quan để phục hồi thị trường bất động sản khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" diễn ra chiều 6/10/2021, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua dù dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng thực tế cho thấy thị trường vẫn có giao dịch và giá BĐS vẫn tăng.
Theo ông Khởi, trong 6 tháng đầu năm 2021, qua số liệu báo cáo về Bộ Xây dựng ghi nhận cả nước đã có 55.000 giao dịch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 bất chấp dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ông Khởi cũng cho rằng, hiện nay khi Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh dần được khống chế thì thị trường cho thấy sự quan tâm đang trở lại, thậm chí sẽ xuất hiện tâm lý “mua sắm trả thù”.
Chia sẻ nhận định trên của ông Khởi, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết vừa qua, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách thì lượng khách hàng quan tâm đến các dự án đang mở bán của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, thậm chí có những khách hàng còn đến giao dịch và “xuống tiền” ngay trong đêm.
Lý giải cho sự hào hứng đặc biệt của một bộ phận khách hàng với hoạt động giao dịch bất động sản ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, ông Quyết cho rằng do nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Ở góc độ khách quan hiện nay bất động sản vẫn là lựa chọn ưa thích và tương đối an toàn cho dòng vốn rẻ và những khoản lợi nhuận được hiện thực hóa trên thị trường tài chính, chứng khoán.
Về lý do chủ quan, theo ông Quyết thời gian giãn cách vừa qua cũng là lúc khách hàng có thể xem xét lại các kênh đầu tư, tìm kiếm những sản phẩm bất động sản an toàn, phù hợp với xu hướng sống xanh, an toàn và đặc biệt là rõ ràng về pháp lý.
Cũng theo ông Quyết, thực tế cho thấy dịch bệnh COVID-19 chỉ làm nén lại nhu cầu của thị trường chứ thực tế không hề giảm. Chẳng hạn như vào tháng Bảy âm lịch năm 2020, dù là tháng Ngâu và vừa tạm lắng dịch nhưng dự án FLC Hà Khánh FLC Hà Khánh (Quảng Ninh) vấn bán rất tốt và thu hề đến hơn 8000 tỷ đồng chỉ trong khoảng một tháng”, Chủ tịch FLC dẫn chứng.
Liên quan đến câu chuyện thực tế của lực cầu trên thị trường bất động sản thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết theo nghiên cứu của VARs trong quý III/2021 vẫn có hàng vạn giao dịch dù có rất nhiều hạn chế do COVID-19 và lực cầu đầu tư mạnh.
Cũng theo TS. Đính, bản thân thị trường BĐS thời gian qua cơ bản vẫn có động lực từ việc nhu cầu gần như không suy giảm mà còn tăng, nó chỉ bị nén lại do dịch bệnh và cứ khi nào có đợt dịch tạm lắng là thị trường lại nảy lên rất mạnh.
Nhận định về thị trường trong quý IV/2021 và triển vọng trong năm 2022 các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều chia sẻ quan điểm cho rằng đang có nhiều động lực đồng thuận.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ có tiếp tục nghiên cứu và có nhiều chính sách mở và thông thoáng hơn cho thị trường nói chung và các doanh nghiệp BĐS nói riêng. Cũng theo nhận định của ông Khởi thì thực tiễn cho thấy, cứ sau mỗi lần sửa đổi Luật (Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật đầu tư) thì thị trường BĐS sẽ bùng nổ bởi BĐS gắn với chính sách,… một khi vướng mắc được tháo gỡ thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ phát triển.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng sau thời gian dài “kìm nén” thị trường BĐS dự báo sẽ cực kỳ khởi sắc và “bùng nổ” trong quý IV/2021, qua đó tạo tiền đề tốt cho năm 2022. Tuy nhiên, khi mà các khách hàng ngày càng “thông minh” thì nhu cầu chỉ sẽ chỉ hướng đến những dự án được triển khai dự án bài bản, pháp lý đầy đủ cũng như ở một số phân khúc “hot” sau đại dịch như ngôi nhà thứ hai, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Chia sẻ quan điểm về triển vọng tích cực của thị trường thời gian tới, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng thị trường BĐS vừa qua tăng trưởng tốt, giá tăng, thanh khoản ko giảm do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, do chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp; thứ hai, do sự dịch chuyển về lối sống thay đổi (sống xanh, vui vẻ, an toàn) tìm BĐS ngoại ô, kéo theo xu thế dịch chuyển về nhu cầu; và thứ ba là việc nhóm trung lưu và giàu tại Việt Nam sẽ có tâm lý “tiêu dùng trả thù” sau thời gian dài bị hạn chế do dịch bệnh.
Đồng quan điểm với TS. Võ Trí Thành, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam nhận định thị trường BĐS thế giới đang phục hồi tích cực, xu thế toàn cầu, Việt Nam là nền kinh tế mở, sẽ tiếp nhận, khởi sắc, giao dịch thực đang tăng lên.
Với những tín hiệu tích cực trong chính sách chống dịch cũng như chính sách phục hồi sau COVID-19, thị trường BĐS sẽ là một trong những nguồn khởi phát quan trọng cho đà hồi phục của cả nền kinh tế./.
Có thể bạn quan tâm