Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, UpCOM: SEA) có rất nhiều thuận lợi về ngành nghề, tài sản, nhưng nhiều năm gần đây vẫn không thực sự chứng tỏ được vai trò ông lớn của mình.
SEA vẫn đang nằm ngoài danh sách top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo 7 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê (GSO), thủy sản là một trong những ngành chỉ tăng nhẹ về sản lượng (2,2%), nhưng vẫn là lĩnh vực có xuất khẩu tích cực của nền kinh tế.
SEA có doanh thu thuần quý II tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm nay, SEA đạt doanh thu 108 tỷ đồng, tăng 51% so với nửa đầu năm 2020 nhưng vẫn chịu áp lực tăng chi phí khiến lãi bị "bào mòn". Các chi phối giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều tăng “cấp số nhân” lần lượt với 163%,106% và 53%, khiến biên lợi nhuận gộp mỏng đi và lợi nhuận trước thuế chỉ tăng thêm gần 4%, lên hơn 36 tỷ đồng.
Tuy vậy, đây vẫn là quý khởi sắc của SEA khi trong quý I, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm lần lượt 25,28% và 25,45 so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, Công ty mẹ SEA đặt mục tiêu tối thiểu doanh thu 175,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 65 tỷ đồng. Trên kế hoạch, công ty đã đi được hơn nửa chặng đường và có thể kỳ vọng đạt chỉ tiêu đề ra. Dù vậy, lợi nhuận dự kiến chỉ tăng 1% so với cùng kỳ.
Làm thủy sản nhưng không muốn “phất” thủy sản, SEA có định hướng đầu tư bất động sản và có tài sản đất vàng tại số 2-4-6 Đồng Khởi, Bến Nghé, TP.HCM có diện 1.552m2, ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
36 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Công ty mẹ SEA, chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ 2020.
Ngoài khu đất trên, cơ cấu tài sản của SEA có tới hơn 50% thuộc về đầu tư công ty con, liên doanh liên kết. Cụ thể tới cuối quý II/2021, SEA có tới hơn 916 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, và tài sản dài hạn dở dang tới 653 tỷ đồng (chủ yếu là giá trị tài sản dài hạn của quỹ đất trụ sở) trên tổng tài sản 1.921,9 tỷ đồng.
Đáng nói là gã nhà giàu ngồi trên đống tài sản này hiện vẫn chưa thể có quả ngọt từ các khoản đầu tư, chưa kể nhiều khoản mục còn vướng pháp lý.
Kiểm toán nhấn mạnh 2 trong số các khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của SEA gồm khoản vốn góp 15 tỷ đồng theo quyền quản lý, khai thác khu đất chân cầu Cỏ May; tuy nhiên SEA chưa thể ghi nhận khoản trên do dự án đã bị UBND Bà Rịa Vũng tàu có công văn thu hồi đất. Cùng với đó, 250 tỷ đồng tiền gốc và hơn 18 tỷ đồng lãi vay Công ty CP Xây dựng Bắc Nam (đã đổi tên là Công ty Chấn Phong), liên quan đến bản án bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), SEA cũng chưa có điều kiện nộp tiền thi hành án và đang tiếp tục kháng nghị lên Giám đốc thẩm.
Trong cơ cấu sở hữu vốn, ngoài Công ty Chấn Phong nắm 20,1% (đã thoái cho 1 cá nhân và khoản nhận chuyển nhượng cá nhân được cho đã tiếp tục chuyển thứ cấp cho 1 nhà đầu tư khác), SCIC đang kiểm soát lợi ích SEA với hơn 63,38% vốn điều lệ. SEA nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC năm nay. Song điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là kết quả chuyển nhượng dự án đất vàng gắn với câu chuyện Vũ Nhôm sẽ ngả ngũ ra sao, và vị “nhà giàu” về tài sản này liệu trong bao lâu, sẽ được cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất vàng Đồng Khởi?. Cũng như nó có được định giá vào giá trị cổ phiếu mà SCIC bán ra hay không, khi chi phí lãi vay trên 92 tỷ đồng theo phương thức “mỡ nó rán nó” cũng đã được vốn hóa vào quyền sử dụng và tài sản trên đất.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt
04:40, 20/08/2021
Chưa cổ phần hoá Saigontourist Group
11:00, 27/05/2021
Doanh nghiệp cổ phần hoá phải lập báo cáo hiện trạng quản lý sử dụng đất
11:00, 24/05/2021
Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!
11:00, 20/05/2021
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị không cổ phần hóa Saigontourist
15:18, 06/05/2021