87 cửa hàng tiện lợi nằm trong chuỗi Shop&Go vừa bất ngờ được nhượng lại cho Công ty VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup, với giá 1 USD.
Thực tế cho thấy, miếng bánh bán lẻ được dự đoán trị giá 180 tỉ USD vào năm 2020 vốn không dễ “nuốt”. Trước Shop&Go, nhiều tay chơi có mặt trên thị trường như Fivimart, Ocean Mart… buộc phải chấp nhận bị xóa sổ, nhường lại cho các ông lớn trong ngành.
Vì sao Shop&Go tự “tặng” mình cho VinCommerce
Một điểm khác biệt là chính đơn vị sở hữu Shop&Go chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi đã gây dựng suốt 14 năm qua cho công ty thuộc tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. "Chúng tôi quyết định tặng lại Shop&Go để họ tiếp tục đầu tư, phát triển" - đại diện Shop&Go chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
11:18, 04/04/2019
08:00, 02/04/2019
04:26, 02/04/2019
Nhảy vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam từ năm 2005 khi nhận thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên, đại diện Shop&Go thừa nhận, càng đi lâu thì cạnh tranh càng khốc liệt, và không như hình dung ban đầu của doanh nghiệp.
Thực tế, với giá trị chuyển nhượng 1 USD, nếu quy đổi thành tiền đồng, thì cũng chỉ hơn 20.000 đồng, tức bằng một li cà phê vỉa hè tại các quận trung tâm TP HCM. Vì vậy, có thể xem rằng, Shop&Go đã "tặng lại" chuỗi gồm toàn bộ cửa hàng của mình cho Vingroup.
Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp về thương vụ này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ: “Doanh nghiệp bán lẻ nội thà để người Việt tự thâu tóm còn hơn để doanh nghiệp nước ngoài tham gia, vì rất dễ gây lũng đoạn thị trường”.
Theo ông Phú, mặc dù mới ra đời khoảng 5 – 7 năm nay nhưng hệ thống Vinmart phát triển rất nhanh, hiện tại Vinmart đang có 1.800 cửa hàng và hàng chục siêu thị cũng như trung tâm thương mại trên cả nước.
Dưới góc nhìn của một người từng có nhiều năm làm trong lĩnh vực siêu thị và bán lẻ, ông Phú đánh giá Vinmart đang kinh doanh rất đàng hoàng và nhân văn. Được biết, hệ thống này miễn chiết khấu 1 năm 0% cho các nhà cung ứng hàng thực phẩm, trong khi, tại một số siêu thị các nhà cung ứng phải chiết khấu lại cho siêu thị từ 20 – 30%. Bên cạnh đó, Vinmart còn đầu tư vào sản xuất, tổ chức thu mua lại hàng hóa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Vinmart còn sản xuất bao bì tự hủy nhằm bảo vệ môi trường.
Chuyển nhượng 1 USD là cách làm thương hiệu?
Trả lời câu hỏi chiến lược của VinCommerce sau thương vụ này là gì? Ông Phú bình luận, Vinmart đã nhìn thấy hệ thống phân phối có yếu tố đặc biệt quan trọng khi mở các cửa hàng bán lẻ. Đơn cử, khi mua Fivimart thì “ngay lập tức” Vinmart có luôn 23 điểm bán lẻ và mua lại Shop&Go thì Vinmart có luôn 87 cửa hàng.
Còn theo giới kinh doanh bán lẻ đánh giá, VinCommerce trị giá chuyển nhượng 1 USD chỉ là cách làm thương hiệu theo thỏa thuận của 2 bên. Trên thực tế VinCommerce mua toàn bộ nguồn cung cấp chưa thanh toán của Shop&Go.
Trước đó, vào tháng 10/2018, một chuỗi bán lẻ khác chính thức bị xóa sổ, đó là Fivimart, cũng do Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng mua lại 100% cổ phần. Thời điểm bị thâu tóm, Fivimart có 23 siêu thị trên toàn quốc.
Còn 5 năm trước, thương hiệu bán lẻ Ocean Mart thuộc Công ty Ocean Retail cũng bị xóa sổ trên thị trường, sáp nhập vào Tập đoàn Vingroup. Thời điểm đó, Vingroup công bố mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail và trở thành chủ sở hữu mới, chi phối hệ thống trung tâm thương mại - siêu thị Ocean Mart của doanh nghiệp này. Tại thời điểm thâu tóm, hệ thống gồm 13 siêu thị đang kinh doanh và có kế hoạch xây dựng hơn 40 siêu thị trên khắp cả nước...