Quý 3/2024, Shopee góp công lớn giúp doanh thu của công ty mẹ SEA tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đó chính là kết quả từ chính sách tối đa phần phí người bán.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9/2024, SEA đạt doanh thu 4,3 tỷ đô, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này giúp cổ phiếu của SEA tăng 17% trong phiên giao dịch buổi sáng. Sau khi trừ thuế và các loại chi phí, SEA báo lãi ròng 153 triệu đô, trong khi cùng kỳ lỗ 144 triệu đô.
Trong doanh thu quý 3 của SEA, mảng thương mại điện tử chiếm gần đến 2/3, tương đương 3,2 tỷ đô, vượt xa kỳ vọng 2,92 tỷ đô. Shopee ghi nhận 2,8 tỷ đơn hàng được giao thành công trong quý III, tăng 24% so với cùng kỳ. Giá trị giao dịch cũng tăng tương ứng 25% lên 25,1 tỷ USD. Đặc biệt lợi nhuận từ thương mại điện tử trong quý này đạt 34,4 triệu đô, tăng cao so với mức lỗ 346 triệu đô hồi năm ngoái.
Có được thành quả này là nhờ những chiến lược kinh doanh phù hợp với thời cuộc. Một trong số đó là đẩy mạnh số tiền nhận được từ người bán và các đơn đặt hàng. Chiến lược này càng được ưu tiên hơn trong bối cảnh tốc độ phát triển thương mại điện tử sụt giảm vì người mua bắt đầu quay lại các cửa hàng thực địa.
Với chiến lược này, hành động đầu tiên của Shopee là điều chỉnh cấu trúc phí. Chẳng hạn trong tháng 7, Shopee tăng phí tại Malaysia. Đến tháng 8, họ tăng phí hoa hồng một số nhà bán ở Indonesia từ khoảng 3,5 - 6,5% lên thành 4,25 - 8%.
Khi tăng phí như vậy, chắc chắn người bán sẽ không hài lòng vì lợi nhuận sụt giảm. Có một số người tìm giải pháp thay thế như nhảy sang nền tảng khác hoặc mở cửa hàng online riêng. Một số khác vẫn chấp nhận ở lại cùng Shopee, vì Shopee vẫn nắm thị phần lớn và việc “tự mình ra riêng” rất tốn kém. Với họ, chi thêm tiền hoa hồng cho Shopee là “cái giá phải trả” nếu muốn xuất hiện trước mặt người tiêu dùng.
Dù cho người bán có phản ứng ra sao, thì việc cố gắng tối đa doanh thu từ người bán là việc Shopee nói riêng và các sàn thương mại điện tử nói chung phải thực hiện. Trong thời kỳ đầu mới ra mắt, thương mại điện tử cạnh tranh bằng giá, khuyến mãi (đối với người mua) và phí hoa hồng thấp (đối với người bán). Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi hai năm trước, khi thế giới mở cửa sau đại dịch. Lãi suất cao, các nhà đầu tư e dè đã khiến các sàn thương mại điện tử phải nhanh chóng cắt giảm chi tiêu, cắt giảm các khuyến mãi để cải thiện lợi nhuận.
Khó khăn lại đến khi năm 2021 thị trường chào đón TikTok Shop. Nền tảng này một mặt tận dụng được lượng người dùng khổng lồ, mặt khác đưa ra chính sách hoa hồng hấp dẫn đối với người bán. Vậy nên họ có bước tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt trong ngành hàng làm đẹp và thời trang.
Điều này buộc Shopee phải dồn lực tấn công, đầu tư vào các tính năng livestream bán hàng nhằm giữ thị phần. Một khi đã chấp nhận bỏ tiền đầu tư, họ cần có nguồn bù lại để cân đối. Và chi phí nhà bán là một “ưu tiên hàng đầu”.
Có lẽ Shopee đã đúng khi đi theo hướng này. Bởi vì doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của họ trong quý 3 có phần không nhỏ của khoản phí này. Trong báo cáo doanh thu, SEA ghi rõ doanh thu của sàn thương mại điện tử này “chủ yếu đến từ phí giao dịch và quảng cáo”.
Với kết quả ngọt ngào này, chắc chắn Shopee sẽ càng tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tối ưu nguồn tiền từ phí nhà bán. Dĩ nhiên họ cũng sẽ triển khai các kế hoạch khác, ví dụ bắt tay cùng YouTube ra mắt dịch vụ mua sắm trực tiếp ngay khi xem video. Nhưng trước mắt phí nhà bán vẫn là nguồn doanh thu và lợi nhuận không thể bỏ qua của Shopee.