Chuyện của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cũng như thực tế hoạt động "siêu Ủy ban" thời gian qua khiến nhiều người có cơ sở hoài nghi về mô hình hoạt động…
Hơn một năm chuyển từ các bộ chủ quản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV còn được gọi là “siêu ủy ban”), các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn vướng hàng loạt khó khăn, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Một số DNNN xin chuyển về bộ chủ quản như trước kia.
“Đầu đi, chân ở lại”
Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để dẹp bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở các bộ, ngành tại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Tuy nhiên, mới hơn một năm kể từ khi 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển về UBQLV, hàng loạt vấn đề phát sinh.
Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng như thực tế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua khiến hoài nghi về mô hình này là có cơ sở.
Đơn cử như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt nhưng khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn đang do Bộ GTVT quản lý, dẫn đến tình trạng “đầu đi, chân ở lại”.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trần tình lý do muốn trở về Bộ GTVT là bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.
Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 1 vạn người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.
Điều này cho thấy, nếu không thay đổi về cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao, không có giải pháp hữu hiệu để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý so với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay, thì chắc chắn việc thành lập Ủy ban sẽ không đạt mục tiêu.
Hay như việc lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sau khi chuyển về UBQLV, các dự án cao tốc dở dang của VEC đã gặp nhiều vướng mắc. Các vướng mắc này cũng chủ yếu liên quan tới phần vốn ngân sách cho các dự án, tương tự như ngành đường sắt.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong 5 tổng công ty giao thông đã chuyển giao sang siêu ủy ban, có 3 doanh nghiệp gặp vướng mắc lớn nhất là Tổng Cty Đường sắt (VNR), VEC và Tổng Cty Cảng hàng không (ACV). Do những doanh nghiệp này lâu nay thực hiện một số nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, như bảo trì đường sắt, đầu tư đường cao tốc, duy tu và sửa chữa các sân bay (đường băng và đường lăn).
Có thể bạn quan tâm
16:56, 26/02/2020
16:00, 15/10/2019
23:10, 09/08/2019
15:06, 03/08/2019
11:30, 15/07/2019
10:56, 14/07/2019
02:55, 28/02/2020
17:00, 27/02/2020
Tư duy thay đổi thì hành động mới thay đổi
Ý tưởng thành lập Uỷ ban được thai nghén, bàn thảo suốt thời gian qua để thành lập ủy ban. Ban đầu, người ta đưa ra ý tưởng thành lập một đơn vị thiên về kinh doanh vốn, thu hút được nhiều người có năng lực kinh doanh về làm việc, chứ không phải một đơn vị hành chính thông thường. Người đứng đầu, nhân sự bộ máy giống như các CEO, hưởng lương như doanh nghiệp thay vì lương công chức.
Tuy nhiên, khi ra đời, Ủy ban lại vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước hơn là một tổ chức kinh doanh vốn.
Thực tế mấy năm qua Ủy ban đã chưa làm đúng bản chất của nó. Một trong những nguyên nhân là vì tư duy không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế.
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, “Cha đẻ” của của đề án thành lập UBQLV cho rằng, một khi tư duy thay đổi thì hành động mới thay đổi, nếu vẫn còn vương vấn tư duy kế hoạch hóa tập trung với hành chính quan liêu, chưa dứt khoát, còn dùng dằng thì không thể chuyển động được.
“Vai trò của Ủy ban không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện, như giao tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như vậy, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp” – ông nói.
Thêm nữa, ông Cung nói “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp, vì dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi. Còn nếu Ủy ban cứ can thiệp từng dự án thì tôi tin rằng dù Ủy ban có hàng nghìn người cũng không làm được”.
Mặt khác, nhân sự của Ủy ban cũng phải có tầm nhìn, giỏi ngang với những người giỏi nhất của các tập đoàn, tổng công ty mà mình quản lý. Mà muốn có những người giỏi như thế thì chắc chắn phải có cơ chế tiền lương theo thị trường lao động quốc tế, chứ không phải đưa những công chức từ chính quyền sang. “Ghế” ở “siêu Ủy ban” chắc chắn và không bao giờ nên là “ghế thử quyền lực”.
“Cây gậy pháp lý” chưa rõ ràng
Quay trở lại với câu chuyện của Tổng công ty đường sắt cho thấy hành lang pháp lý cho việc hoạt động của một cơ quan mới như Ủy ban đang có vấn đề vướng mắc. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chưa “phủ” được hết những khó khăn này, khiến Ủy ban hoạt động trong tình thế thiếu “cây gậy pháp lý” rõ ràng, vững chắc.
Đây là điều đáng quan tâm khi, Ủy ban này tiếp nhận tới 19 “ông lớn” như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Cảng Hàng không… với vốn nhà nước lên tới gần 1,2 triệu tỉ đồng. Vì khoảng trống pháp lý ấy nên những phần việc thuộc trách nhiệm của siêu ủy ban này không được vận hành trơn tru, thống nhất.
Một lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau khi tách chức năng quản lý ngành và đại diện chủ sở hữu, một dự án của doanh nghiệp vẫn phải có ý kiến của bộ quản lý ngành, Ủy ban và hàng chục bộ ngành, địa phương khác có liên quan. Bộ quản lý ngành cho ý kiến về thiết kế cơ sở dự án, còn Ủy ban là nơi duyệt dự án. Những công việc đó luôn chồng chéo và mất nhiều thời gian.
Ủy ban mới vận hành hơn 1 năm, có mô hình đặc thù, khác biệt (kể cả so với những mô hình tương tự ở Trung Quốc và Singapore) nên những bỡ ngỡ ban đầu là khó tránh khỏi. Việc một doanh nghiệp như Tổng công ty đường sắt muốn trở về chưa phải là thước đo hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Nhưng muốn vậy, những khoảng trống pháp lý phải được lấp đầy, cán bộ của Ủy ban phải tinh nhuệ và dám chịu trách nhiệm…có như vậy Siêu Uỷ ban mới có cơ để hoạt động hiệu quả theo đúng mục đích, mong muốn ban đầu khi thành lập.